Năm thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị tuyên y án, trong ngày 18 tháng 3 lên tiếng phản đối bản án với lời hô “đả đảo phiên tòa bất công, đả đảo đảng Cộng sản” sau khi tòa bác bỏ kháng cáo của họ.
Theo kế hoạch phiên xử phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) diễn ra tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM vào ngày 18 tháng 3. Phiên xử kết thúc vào trưa cùng ngày và tòa giữ nguyên các bản án sơ thẩm.
Trước đó, vào hôm 5/10 năm ngoái, bản án sơ thẩm được tuyên với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 5 người lần lượt là: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) 8 năm tù về cùng tội danh.
Ngoài ra, những người này còn bị quản chế 3 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong bản án.
Bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh là người duy nhất được vào phòng xét xử để xem tòa án xét xử chồng mình sau các cuộc tranh luận “nảy lửa” với tòa án và nhân viên an ninh.
Những thân nhân của các bị cáo còn lại phải vào một phòng khác và xem qua màn hình.
Bà Thập kể lại với chúng tôi như sau:
"Thực sự phiên xử thứ hai này là phiên tòa đầu tiên tôi được chứng kiến. Thì cũng như phiên tòa trước, họ cũng chỉ có đọc và tuyên thôi.
Thẩm phán thì cũng nhảy vào miệng các bị cáo chốt và nói, chứ các bị cáo cũng không được nói hẳn đầu đuôi.
Cũng như phiên tòa trước, họ cũng bác bỏ hầu hết các lời biện hộ của luật sư.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 4/5 bị cáo nói với Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 18/3 cho rằng đây là bản án bất công.
"Tôi tin bản án này xét xử cho họ là hết sức bất công, tôi đánh giá cho rằng đây là những công dân có tinh thần tự giác rất cao, họ muốn có sự đóng góp, cống hiến cho đất nước bằng những suy nghĩ của họ. Và họ chỉ mới trao đổi với nhau về những suy nghĩ như vậy thôi thì họ đã bị bắt rồi.
Thậm chí là ghép họ vào tội rất tày trời, hình phạt rất nặng từ 12 năm trở đi đến 20 năm, chung thân và tử hình.
Tôi rất là tiếc vì chính quyền có thái độ rất nghiêm khắc trong vấn đề này, nghiêm khắc đến mức hà khắc.”
Theo vị luật sư thường xuyên tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến với chính quyền thì việc kết án những người này, vô tình làm mất đi những công dân có ý thức dân tộc cao, có những tư tưởng phóng khoáng để đóng góp cho đất nước.
Đề cập đến thái độ của những người hoạt động khi bị xét xử vào sáng nay, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ông rất cảm phục những người này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay, bài bào chữa của ông nêu ra 5 ý kiến để tranh luận với Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, tuy nhiên phía chính quyền tỏ ra hời hợt trong tranh luận mặc dù để cho luật sư có không gian để bào chữa.
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM này, ông cho rằng những bị cáo không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền, họ chỉ bàn nhau sẽ đứng ra đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước khi chính quyền của đảng Cộng sản sụp đổ, và vì thế không có khách thể bị xâm phạm, tội phạm không thể hoàn thành.
Như hiện nay Hiến pháp quy định tên nước là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì chính quyền là chính quyền của nước CHXHCN Việt Nam chứ không có chính quyền nhân dân,” luật sư Mạnh đặt vấn đề với Viện kiểm sát.
Một vấn đề quan trọng khác theo luật sư Mạnh là cơ quan An ninh điều tra đã vi phạm điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự khi từ chối chấp nhận ông và luật sư Nguyễn Văn Miếng tham gia bào chữa cho các bị cáo từ giai đoạn điều tra đối với tội danh có khung hình phạt lên đến tử hình.
Tuy nhiên những luận điểm của luật sư Mạnh ở phiên tòa đều đáp lại bằng cách tranh luận hời hợp, không đi vào trọng tâm của vấn đề theo nhận xét của ông này.