Một nhóm dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ vừa đồng ký tên vào lá thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu bật quan ngại của họ về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.
Bức thư đề ngày 28 tháng 5 do nhóm 25 dân biểu gồm những vị luôn quan tâm đến Việt Nam như Alan Lowenthal, Tim Kaine, Ro Khana, Juis Correa, Zoe Lofgren… cho rằng hơn 4 thập niên sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc cũng như việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Washington, Hà Nội vẫn là một quốc gia độc đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản theo đường lối không mấy dung tha cho tiếng nói đối lập.
Những vị dân biểu Hoa Ký ký tên vào thư gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo quan ngại về chiến dịch của chính phủ Việt Nam trấn áp, bắt bớ các nhà báo, ngăn chặn truyền thông độc lập và quyền tự do báo chí.
Những trường hợp được nêu ra gồm các nhà báo hay cộng tác viên cho Đài Á Châu Tự Do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, mà cả hai đều trực thuộc Cơ quan Truyền thông Toàn Cầu Hoa Kỳ (USAGM).
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hóa, người từng tham gia quay phim loan tin về thảm họa môi trường Formosa cho Ban Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do. Anh bị lực lượng chức năng bắt vào năm 2017 và bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trường hợp thứ hai được nêu lên là nhà blogger và nhà báo Lê Anh Hùng bị bắt theo điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’. Ông Lê Anh Hùng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập chuyên vận động cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam. Ông này cũng là một cộng tác viên viết blog cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Trường hợp thứ ba được nêu lên trong bức thư là nhà báo độc lập Trương Duy Nhất, một cộng tác viên viết blog cho Ban Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do. Ông bị bắt cóc tại Bangkok vào ngày 26 tháng 1 năm 2019; chỉ một ngày sau khi đến Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để nộp đơn xin qui chế tỵ nạn.
Đến tháng 3 năm 2019, truyền thông quốc tế loan tin ông này bị giam giữ mà không có cáo buộc gì tại Trại T6 thuộc Bộ Công An ở Hà Nội.
Các dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ ký tên vào thư gửi ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu 3 điểm đối với người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ: Bộ Ngoại giao đang thực hiện những gì để vận động cho việc trả tự do cho những cá nhân vừa nêu?; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bangkok có hỏi cơ quan chức năng Thái Lan về cuộc điều tra đang tiến hành đối với trường hợp ông Trương Duy Nhất chưa? Nếu có thì câu trả lời nhận được là khi nào và thế nào? Nếu chưa thì vì sao?; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có xem xét những biện pháp đối với cơ quan chức năng Việt Nam nếu như những cá nhân vừa nêu không được trả tự do; trong đó có những biện pháp trừng phạt và những hạn chế về du lịch và tài sản của những quan chức Việt Nam liên quan đến những cá nhân vừa nêu?
Thời hạn mà các vị dân biểu đưa ra cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo để trả lời các vấn đề vừa nêu là ngày 17 tháng 6 tới đây.