Các dân biểu Mỹ lại gửi thư cho thủ tướng Việt Nam về tình hình nhân quyền

Tám dân biểu Hoa Kỳ đồng ký tên vào bức thư đề ngày 15 tháng 5 gửi cho thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp những nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo tại Việt Nam.

Thư cũng được chuyển đến đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink.

Tám vị dân biểu Mỹ ký tên vào bức thư gồm Luis Correa, Alan Lowenthal, Christopher Smith, Zoe Lofgren, Ro Khana, Scott H. Peters, Gerald E. Connolly, và James P. McGovern.

Nội dung bức thư đề cập đến phiên xử hôm ngày 5 tháng tư đối với các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người cộng sự của ông này là cô Lê Thu Hà, các cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức.

Tòa tuyên cho sáu người vừa nêu những bản án từ 7 đến 15 năm tù, cộng với lệnh quản chế cao nhất đến 5 năm sau khi mãn án với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

Tiếp đến vào ngày 10 tháng 4, một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác là ông Nguyễn Văn Túc cũng bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Cô Trần Thị Xuân bị xử 9 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 12 tháng tư.

Cũng vào ngày 12 tháng 4, nhà giáo Vũ Hùng bị kết án 1 năm tù; và nhà hoạt động trẻ Nguyễn Viết Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Thư của 8 vị dân biểu Hoa Kỳ đề cập nhận định của nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền về luật sư Nguyễn Văn Đài và những thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ rằng họ bị bỏ tù chỉ vì cổ xúy cho những quyền được công nhận theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hoạt động của những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bao gồm huấn luyện về xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền và cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân thảm họa môi trường.

Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Bắt Giữ Tùy Tiện tuyên bố biện pháp bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài là ‘tùy tiện’. Nhóm này cùng với Hoa Kỳ yêu cầu phải hủy bỏ mọi cáo buộc với những người vừa nêu.

Tám vị dân biểu Hoa Kỳ ký trong thư nhấn mạnh rằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tham gia ký vào Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị; đồng thời cam kết tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp, báo chí, và quyền lập hội, bày tỏ chính kiến. Do đó những phiên xử gần đây và tiếp tục biện pháp hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa cho thấy mâu thuẫn của Hà Nội đối với những chuẩn mực nhân quyền quốc tế được chấp nhận.

Tám vị dân biểu Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động, các bloggers nêu trong thư cũng như tất cả những tù nhân lương tâm tại Việt Nam.