Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa ra thông báo bày tỏ sự quan ngại đối với việc Trung Quốc đang làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong.
Báo trong nước trích thông báo Đại sứ quán Mỹ loan tin ngày 14/4.
Cụ thể, thông báo ghi rõ dựa theo nghiên cứu của công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước Eyes on Earth cho thấy Trung Quốc đang làm thay đổi nhanh chóng dòng chảy tự nhiên của nguồn nước đổ xuống lưu vực hạ nguồn sông Mekong, với sự ngăn chặn dòng chảy lớn nhất xuất phát từ việc xây dựng và vận hành các đập thuỷ điện lớn.
Nghiên cứu này được Công ty Eyes on Earth Inc tiến hành bằng nguồn tài chính từ chương trình Sáng kiến hạ lưu Mekong của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo báo cáo, sự tương quan ‘tự nhiên’ mực nước sông với lượng mưa và tuyết tan ở thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ năm 2012, khi các con đập thủy điện của Bắc Kinh bắt đầu mọc lên. Khác biệt rõ ràng nhất vào năm ngoái 2019.
Trung Quốc đã bác bỏ nghiên cứu này vì tỉnh Vân Nam nước này chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và trữ lượng nước tại các con đập hạ xuống mức thấp nhất lịch sử. Vì vậy, việc lý giải rằng việc Trung Quốc xây đập trên sông Lan Thương, tên Trung Quốc gọi sông Mekong, gây hạn hán ở hạ nguồn là vô lý.
Sông Mekong chảy từ Trung Quốc qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đợt hạn năm ngoái, mực nước ở hạ lưu Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân khu vực hạ lưu.
Do việc dòng chảy từ Trung Quốc xả về hạ du bị sụt giảm và mưa rất ít trên toàn bộ các vùng ở hạ lưu sông Mekong nên các quốc gia thượng nguồn gia tăng khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh, thậm chí cả trên dòng chính sông Mekong.
Vì vậy, dòng chảy về vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng bị sụt giảm. Thêm vào đó, chế độ triều bất lợi nên hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển vẫn tương tự như mức độ xâm nhập mặn tháng 1/2020.