Ngày 23/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price lên bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời, đồng thời gọi ông là “một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Bằng những lời dạy và các tác phẩm thơ văn, di sản của ông sẽ sống mãi đến các thế hệ mai sau.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào 0 giờ ngày 22/1/2022 tại chùa Từ Hiếu, Huế, thọ 95 tuổi.
Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận Thiền sư Thích Nhất Hạnh là "một người thầy, một lãnh đạo tinh thần nổi tiếng thế giới, người đã chạm đến tất cả mọi người của mọi đức tin, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trải qua hơn 60 năm đi đầu trong vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền, phi bạo lực, và tình yêu cho tất cả mọi người. Sự nghiệp của ông đã khiến ông được đề cử giải Nobel Hoà Bình và rất nhiều những tiến cử khác".
Vào cùng ngày khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng ra thông cáo về sự viên tịch của Thiền sư.
Bà Damour viết: "Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. Những lời giảng dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ."
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập cộng đồng Làng Mai tại Pháp đã có nhiều năm gắn bó với nước Mỹ, nơi ông đã đến giảng dạy về Phật giáo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ông đã đã đến nói chuyện tại Đại học Cornell, Đại học Princeton. Ông cũng là người được Mục sư nổi tiếng người Mỹ Martin Luther King đề cử giải Nobel Hoà Bình vào năm 1967.
Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ tiếc thương về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.