Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ: Nhân quyền phải là cột trụ trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ

Nhân quyền phải là một cột trụ trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ và Hoa Kỳ phải đòi hỏi từ Hà Nội có những cải thiện về nhân quyền trong khi cải thiện quan hệ hai nước. Đó là phát biểu của Thượng Nghị sĩ Tim Kaine, người vừa trở về từ Việt Nam cùng đoàn 9 Thượng Nghị sĩ Mỹ thăm Nam Hàn và Việt Nam vào trung tuần tháng 4.

Đây là chuyến thăm được Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy khởi xướng với mục đích khởi động những dự án giúp các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của 7 Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ và 2 Thượng Nghị sĩ đảng Cộng Hòa. Đoàn đến thăm Nam Hàn trước khi đến Việt Nam.

Phát biểu tại Trung tâm giao lưu văn hóa người Mỹ gốc Triều Tiên ở Virginia vào chiều ngày 29/4, sau khi trở về từ chuyến đi 5 ngày đến Việt Nam, Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ Tim Kaine cho biết:

"Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền."

Theo thông cáo báo chí của văn phòng TNS Tim Kaine, các TNS Mỹ trong chuyến thăm lần này đã tham dự buổi khởi động chính thức dự án tẩy sạch chất độc dioxin thứ hai do Mỹ tài trợ ở sân bay Biên Hòa, gần thành phố Hồ Chí Minh. Dự án có trị giá lên đên đến 183 triệu đô la. Sân bay Biên Hòa là một trong ba điểm nóng chứa chất độc da cam của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Trước đó, Mỹ đã tài trợ 110 triệu đô la xử lý ô niễm tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và dự án này đã hoàn tất vào năm 2018.

Ngoài ra, trong chuyến thăm này, các Thượng Nghị sĩ Mỹ cũng chứng kiến việc ký một bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với chính phủ Việt Nam để giúp đỡ những người bị tàn tật, ảnh hưởng do bom mìn chiến tranh và chất độc da cam.

Trong chuyến thăm lần này, các Thượng Nghị sĩ Mỹ đã có cuộc gặp với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ở Việt Nam để lấy ý kiến về tình hình nhân quyền của việt Nam. Thượng Nghị sĩ Tim Kaine cho biết:

"Một trong những cuộc gặp mà chúng tôi thực hiện ở Hà Nội là gặp một nhóm những người trẻ bất đồng chính kiến. Họ rất sẵn sàng gặp gỡ chúng tôi… Rõ ràng là có những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù ở Việt Nam và nhóm người mà chúng tôi gặp là những người lên tiếng cho những người đang bị cầm tù…"

Các Thượng Nghị sĩ đã có các cuộc gặp với một số những lãnh đạo cấp cao của đảng, chính phủ và Quốc hội Việt Nam và đã đề cập đến một số các trường hợp tù nhân lương tâm bao gồm danh sách 7 tù nhân lương tâm được Đại sứ quán Mỹ chuẩn bị, điển hình là trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải chịu án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong một phiên tòa vào năm 2010. Trường hợp của công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị giam giữ tại Việt Nam để điều tra cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, cũng được đưa ra trong chuyến thăm lần này.

"Chúng tôi đã nêu ra một số những trường hợp bị cầm tù ở Việt Nam, một số người Mỹ gốc Việt đang bị cầm tù ở Việt Nam và một người Mỹ gốc Việt đang chờ ra tòa. Chúng tôi cũng nêu trường hợp của một doanh nhân người Việt nổi tiếng về công nghệ nhưng dám lên tiếng chỉ trích chính quyền và vì vậy phải ở tù nhiều năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên những trường hợp này."

Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức là người bị Việt Nam yêu cầu phải rời bỏ đất nước nếu muốn tự do nhưng ông đã từ chối. Thượng Nghị sĩ Tim Kaine nhìn nhận:

"Đây là một thách thức đối với chúng tôi, vì một khi họ cho ai đó cơ hội tự do chỉ khi họ chịu đi nước ngoài thì đó không phải là tự do"

Thượng Nghị sĩ Tim Kaine cho biết, các Thượng Nghị sĩ đã chia danh sách các tù nhân lương tâm để đề cập trực tiếp với ít nhất 3 Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam. Các TNS đã không thể gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông bị tai biến mạch máu não đúng thời gian chuyến thăm của các TNS đến Việt Nam. Tuy nhiên câu trả lời từ phía đại diện Việt Nam là họ không biết về các trường hợp này và cần thông tin từ phía các Thượng Nghị sĩ để có thể tìm hiểu thêm.

Theo thống kê Amnesty International, Việt Nam hiện vẫn còn giam giữ khoảng gần 100 tù nhân lương tâm.

Việt Nam từ trước đến nay vẫn khẳng định không có tù chính trị mà chỉ có những người đã vi phạm luật pháp Việt Nam.

Nói về sức ép mà Hoa Kỳ có thể áp dụng đối với Việt Nam, Thượng Nghị sĩ Tim Kain cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam qua kênh Thượng Viện và qua kênh Đại sứ quán ở Việt Nam".