Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào ngày 8/5 nghe điều trần về việc thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là ‘thị trường’ hay không.
Reuters cho biết Bộ Thương mại Mỹ nghe lập luận từ cả hai phía chống và thuận đối với việc công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Những tiêu chuẩn để Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế ‘thị trường’ gồm có mức độ chuyển đổi của tiền tệ nước đó; tỷ lệ mức lương được được đàm phán giữa lực lượng lao động và chủ sử dụng, vấn đề cho phép lập liên doanh hay đầu tư nước ngoài, chính phủ nắm quyền sở hữu hay kiểm soát công cụ sản xuất, chính phủ kiểm soát việc phân bố nguồn tài nguyên và quyết định về năng suất, giá cả…
Đề xuất công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đang bị chống đối bởi giới sản xuất thép và giới nuôi tôm Vùng Vịnh tại Hoa Kỳ; trong khi đó giới bán lẻ và những nhóm doanh nghiệp khác lại ủng hộ.
Một khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ được giảm so với mức hiện nay khi bị cho là nền kinh tế phi thị trường với sự tác động mạnh của Nhà nước.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 9/5 lên tiếng hoan nghênh Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần vào ngày 8/5 và nói đây là bước quan trọng xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Bà Phạm Thu Hằng cho biết, tại phiên điều trần, phía Việt Nam nêu rõ lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về quy chế thị trường. Bà này còn cho rằng nền kinh tế Việt Nam còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế thị trường.
Việt Nam thống kê hiện đã được 72 nước công nhận có nền kinh tế thị trường; nước này cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trên thế giới.