Ban Tổ chức Trung ương đảng cộng sản Việt Nam vào hôm 10/10 đã tổ chức buổi hội nghị để góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền đối với các cán bộ, diễn ra tại Hà Nội.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn phát biểu của ông Phạm Minh Chính, trưởng ban tổ chức Trung ương thừa nhận đây là nội dung rất khó, chưa làm chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng và đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.
Theo ông Phạm Minh Chính, qua giám sát kiểm tra các vấn đề sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy quyền lực được sử dụng chưa bài bản và chưa đúng theo quy định, rất nhiều trường hợp lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế để kiểm soát. Do đó ông nhấn mạnh cần phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực chống việc chạy chức, chạy quyền.
Tin nói tại hội nghị, các ý kiến góp ý đều đánh giá cao bản dự thảo do Ban tổ chức Trung Ương soạn và sự cần thiết của quy định này. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định này sẽ khả thi hơn khi triển khai thực tế.
Cũng tin liên quan, ông Trần Văn Túy, trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 6 vào cuối tháng 10 sắp tới có 48 trong số 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo ông Túy, 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng việc lấy phiếu tín nhiệm nhưng có 2 chức danh mới là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông sẽ bầu mới nên chưa thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm được.
Ngoài ra, ông Túy cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu được thực hiện theo đúng quy định và luật giám sát của Quốc hội.
Theo quy định, quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng việc bỏ phiếu kín, người được lấy phiếu tín nhiệm hơn nữa tổng số đại biểu đánh giá thấp thì có thể xin từ chức. Nếu người lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 đại biểu đánh giá thấp thì Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Thời điểm lấy phiếu được quy định tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ.