Bốn nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vào ngày 27/12 ra tòa sơ thẩm tại Hà Nội. Bốn người này bị cáo buộc làm thất thoát 165 tỷ đồng của Nhà nước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất sai quy định tại địa chỉ 220 Bình Thới, thành phố Hồ Chí Minh.
Bốn người phải hầu tòa gồm các ông Nguyễn Thanh Giang, sinh năm 1949, cựu Tổng giám đốc VEAM giai đoạn 2000-2011; Lâm Chí Quang, sinh năm 1954, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM giai đoạn 2004-2011; Đào Huấn Ngữ, sinh năm 1955, cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc VEAM) giai đoạn 2002-2011; và Nguyễn Văn Khôi, sinh năm 1956, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Trưởng ban Kiểm soát VEAM giai đoạn 2007-2011.
Ba ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang, Đào Huấn Ngữ bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Khôi bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự VN năm 1999.
Cáo trạng truy tố nêu rằng bốn người vừa nêu lợi dụng việc thực hiện Đề án di dời Công ty Đúc số 1 mà ông Đào Huấn Ngữ giữ chức giám đốc tại số 220 Bình Thới vào khu công nghiệp cùng nhau bàn bạc thu lợi từ Dự án xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại tại số 220 Bình Thới.
Từ năm 2006 đến 2008, ông Nguyễn Thanh Giang trong cương vị Tổng Giám đốc VEAM đã đại diện ký Hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam thành lập Công ty liên doanh Đúc Phương Nam.
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 220 Bình Thới mà Ủy Ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cấp cho Công ty Đúc 1 để xây nhà ở chung cư và trung tâm thương mại, Cty liên doanh Đúc Phương Nam ký hợp đồng với Công ty An Phú để lập ra Công ty Phú Vinh và giải thể Công ty Đúc Phương Nam.
Tiếp đến Hội đồng Quản trị VEAM ra nghị quyết góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại 220 Bình Thới trị giá 115 tỷ đồng (tương đương hơn 11 triệu 500 ngàn cổ phần) , rồi bàn giao đất cho Công ty Phú Vinh, cũng như cử ông Đào Huấn Ngữ làm đại diện phần vốn của VEAM.
Sau đó Hội đồng quản trị VEAM chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Phú Vinh cho Công ty Phương Nam.
Hoạt động góp vốn, chuyển nhượng cổ phần không thực hiện định giá, đấu giá khiến Nhà nước thiệt hại 165 tỷ đồng.
Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Tòa Hà Nội đã mở phiên toà xét xử ba cựu lãnh đạo VEAM gồm: Trần Ngọc Hà - Chủ tịch HĐTV, Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM và Phạm Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc VEAM về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Máy và động lực Việt Nam – VEAM.
Đó là vụ án thứ hai cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phải hầu toà. Gần cuối tháng 5/2022, ông này bị TAND Hà Nội tuyên phạt tám năm tù cùng về tội danh trên, trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng của VEAM. Tổng hợp hình phạt hai bản án, ông Trần Ngọc Hà phải chấp hành hình phạt chung là 11 năm tù.