Việt Nam tăng cường thanh tra các cơ sở chế biến café sau vụ cà phê pin

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến café trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền và phổ biến những quy định về an toàn thực phẩm, cấm sử dụng hoá chất phụ gia ngoài danh mục được phép dùng để chế biến cafe, đặc biệt là pin nhuộm café như vụ việc mới bị phát giác thời gian vừa qua. Mạng báo Dân trí loan tin này hôm 27 tháng 04.

Thông tin này được đưa ra sau khi các cơ quan báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đăk Nông thanh tra bắt qua tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp đang pha trộn tạp chất, đặc biệt là dùng pin để nhuộm đen café.

Tại hiện trường, các đơn vị chức năng đã niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm café đã ngâm tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì cùng nhiều loại dung dịch, bột pin, vỏ pin.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là “café bẩn” mà còn là “café độc” bởi nhiều kim loại nặng có trong pin đều là những chất độc có khả năng gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Hôm 23/4 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc nhuộm phế phẩm café bằng bột pin. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương khởi tố điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chiều ngày 26/4, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Nông đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều tra vụ pha trộn cát, sỏi, lõi pin vào phế phẩm café của cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan. Bà này đã thừa nhận sử dụng cát, sỏi đá 2-3mm và than pin trộn với nhau để tạo ra “sản phẩm hỗn hợp” bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do vợ chồng bà tự nghĩ ra.

Vợ chồng bà Loan khai nhận chỉ mới bán 3 tấn sản phẩm này cho người mua tên là Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9000đ/kg sau đó hai người này lại bán lại cho bà Phan Thị Dung, 56 tuổi, giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung với giá 12.000đ/kg.

Hơn một nửa lượng tạp chất nói trên được bà Dung cho công nhân pha trộn vào hạt tiêu khô nhằm tăng trọng lượng. Hồ tiêu chứa tạp chất này được đóng bao dự kiến bán cho các doanh nghiệp. Phần tạp chất còn lại ngay sau khi cơ sở bà Loan bị phát hiện, bà Dung đã cho pha trộn với vôi, phân heo, ủ làm phân bón sau đó đem đổ trong vườn cao su để tẩu tán.

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó GĐ công an tỉnh Đăk Nông cho biết đến nay mới đủ cơ sở khẳng định bà Loan làm sản phẩm hỗn hợp độc hại từ đầu năm nay. Hiện mẫu hỗn hợp này đã được gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Cũng theo đại tá Lê Vinh Quy, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ và sẽ sớm khởi tố 5 bị can về hành vi Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật Hình sự Việt Nam.