Nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng vào sáng 16 tháng 8 năm 2018, bị Tòa án Tỉnh Nghệ An trong phiên sơ thẩm tuyên mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.
Chỉ có 1 mình vợ ông Lê Đình Lượng được tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử chồng bà.
Theo luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho ông Lượng tại phiên tòa sáng nay, hai nhân chứng chính dùng để kết tội ông Lê Đình Lượng đã phủ nhận tất cả mọi lời khai trước đó, và cho rằng mình bị nhục hình.
“Tôi cho rằng bản án này là sai, không đúng, không có căn cứ để kết tội ông Lượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Cáo buộc chủ yếu dựa vào 2 lời khai của nhân chứng là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng nhưng mà tại phiên tòa thì 2 nhân chứng này đã phản cung, cho rằng các lời khai trước tòa là do bị đánh đập và ép cung. Thế nhưng tòa vẫn dựa vào các lời khai đó để kết tội”..
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng tại phiên sơ thẩm vào ngày 16 tháng 8, cho rằng sự việc xảy ra trong phiên tòa hôm nay là “khá khôi hài”.
“Đến phần các luật sư chúng tôi cùng tham gia xét hỏi thì chúng tôi yêu cầu đưa 2 người này vào để chúng tôi xét hỏi thêm.
Điều hết sức khôi hài là một viên công an dẫn giải xuất hiện và nói rằng ông Nguyễn Văn Hóa bị viêm họng và người thứ 2 là ông Nguyễn Viết Dũng bị đau bụng cho nên không còn đủ sức khỏe để vào làm việc nữa.”
Tôi cho rằng bản án này là sai, không đúng, không có căn cứ để kết tội ông Lượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. - LS Hà Huy Sơn
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết các luật sư bào chữa kiên quyết yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) cho nhân chứng xuất hiện trước tòa, để điều thứ nhất: xác nhận có đúng là họ đang trong điều kiện không thể làm việc hay không; thứ hai: ít nhất là phải có một y tá hay bác sĩ xác nhận việc này chứ không thể là 1 công an vào thông báo trong bối cảnh gần như là họ phản cung và không thừa nhận bất cứ điều gì tại tòa. Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra điểm bất hợp lý là mặc dù cả Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đều khai là bị bức cung ở Hà Tĩnh nhưng tòa án lại chiếu buổi thẩm vấn ở Nghệ An.
Ông Lê Đình Lượng cũng bác bỏ hoàn toàn video được chiếu.
Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nghệ An, cơ quan của đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, trong bài tường thuật diễn biến phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng cho rằng ông này thuộc tổ chức “Việt Tân” mà chính quyền Việt Nam cho là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên đây là tổ chức hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Quốc tế lên án
Sau khi tòa Nghệ An tuyên án đối với ông Lê Đình Lượng, đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á, lên tiếng cho rằng biện pháp đàn áp có hệ thống của chính phủ Hà Nội đối với những tiếng nói chỉ trích và giới hoạt động tại Việt Nam không thể ngăn cản những con người can đảm như ông Lê Đình Lượng hoạt động cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ.
Human Rights Watch cho rằng Việt Nam hiện nay đang trong xu thế trở thành quốc gia có số lượng tù nhân chính trị đông nhất tại khu vực Đông Nam Á. Human Rights Watch kêu gọi các đối tác thương mại nước ngoài và những nhà tài trợ cho Hà Nội cần yêu cầu Việt Nam chấm dứt tình trạng đàn áp đang diễn ra.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một cựu chiến binh và là một nhà hoạt động xã hội, đòi hỏi đền bù cho những ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa vào năm 2016. Thảm họa này xảy ra do hoạt động xả nước thải độc hại vào nước biển của công ty Đài Loan, Formosa.
Sự kiện này khơi lên phong trào xã hội to lớn tại Việt Nam, dẫn đến những đàn áp bởi chính quyền, khiến khoảng 40 người bị bắt, và buộc hàng chục người phải rời bỏ đất nước.
Ông Lê Đình Lượng bị bắt vào ngày 24 tháng Bảy năm 2017, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự năm 1999. Ông bị từ chối cho gặp với gia đình và bị biệt giam gần một năm. Phải tới tháng Bảy năm 2018 ông mới được phép gặp luật sư của mình.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Lê Đình Lượng cũng vận động cho các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam và phản đối các điều luật bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt.
Ngay trước phiên tòa tổ chức này cũng phát thông cáo đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Lê Đình Lượng ngay lập tức và vô điều kiện.