50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Bức thư nêu rõ vào tháng Tư năm ngoái, người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Tuy nhiên, kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Bức thư cũng cho biết tình trạng nhiều nhà hoạt động không thể đăng tin trên Facebook của họ sau phiên tòa xét xử 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ vài ngày trước đó.
Ngoài ra, bức thư còn tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập. Họ cho rằng Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập.
Các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ nhân quyền VN đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam. Bên cạnh đó họ còn yêu cầu Facebook mở cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn với các thành phần bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hãng tin AFP cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam về thông tin trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Về phía Facebook, chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel nới với đài RFA rằng Facebook có các tiêu chuẩn Cộng đồng riêng về những thông tin được phép hay không được phép đăng, nhằm đảm bảo một cộng đồng an toàn. Tuy nhiên bà Sophie khẳng định rằng đôi khi Facebook phải tháo gỡ hoặc hạn chế quyền truy cập tới một nội dung nào đó vì vi phạm pháp luật của một quốc gia nhất định, mặc dù nội dung đó có thể không vi phạm tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook.
Facebook có quy trình rõ ràng và nhất quán nếu một chính phủ muốn đề nghị điều gì, và quy trình này không có gì khác ở Việt Nam so với thế giới. Trong Báo cáo Minh bạch của Facebook có ghi rõ ràng tất cả những nội dung bị hạn chế vì vi phạm luật của một quốc gia.
Đại diện truyền thông Facebook còn cho biết thêm, nếu một quốc gia yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bị cho là phạm luật, Facebook không nhất thiết sẽ xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập nội dung đó trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.
Facebook cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.