Việt Nam nhắm đến mục tiêu nâng sản lượng đất hiếm lên hai triệu tấn/năm vào năm 2030

Việt Nam nhắm đến mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn mỗi năm từ thời điểm 2030.

Reuters loan tin ngày 25/7 dẫn nguồn từ kế hoạch của Chính phủ Hà Nội do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký vào ngày 18/7 vừa qua.

Đất hiếm là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Chúng được dùng trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc ở mức ước tính 22 triệu tấn.

Vào năm ngoái, Việt Nam sản xuất được 4.300 tấn so với mức chỉ 400 tấn vào năm 2021.

Đất hiếm sẽ được khai thác từ chín mỏ tại ba tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Tiếp đến sau năm 2030 sẽ mở thêm từ ba đến bốn mỏ mới với mục tiêu nâng sản lượng mỗi năm lên 2,11 tấn.

Song song hoạt động khai thác, Việt Nam cũng sẽ tìm cách đầu tư vào các cơ sở tinh luyện đất hiếm với mục tiêu sản xuất từ 20.000 đến 60.000 tấn oxide đất hiếm (REO) vào năm 2030. Đến thời điểm 2050, nâng sản lượng REO lên từ 40.000 đến 80.000 tấn/năm.