Thua lỗ liên tiếp, âm vốn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của Vietnam Airlines

Hãng kiểm toán Detloitte Việt Nam vừa cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines do thua lỗ liên tiếp dẫn đến âm vốn trong báo cáo kiểm toán mới được hãng hàng không này công bố. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 1/9.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020 được Deloitte kiểm toán cho thấy, đến hết 30/6, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không quốc gia đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 14.850 tỷ đồng.

Trong kỳ hoạt động vừa qua, Vietnam Airlines cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ là 5.237 tỷ đồng. Vietnam Airlines đã có 10 quý thua lỗ liên tiếp tính đến hết quý hai vừa qua.

Tước đó, tại báo cáo kiểm toán năm 2021, Deloitte Việt Nam cũng cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không tại Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đầu năm 2020 đến tháng 1 năm nay khi Việt Nam thực hiện các lệnh phong toả để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Để giải cứu Vietnam Airlines, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ tín dụng 12 nghìn tỷ đồng giải cứu cho Vietnam Airlines.

Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ các háng hàng không tại Việt Nam bằng một số chính sách như đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay, giảm lãi suất cho vay và mạnh dạn cho vay tín chấp.

Quốc hội đã ban hành các nghị quyết quy định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít từ ngày 1/8/2020 đến hết năm 2021 và sau đó tiếp tục giảm xuống mức 1.500 đồng một lít từ 1/4/2022 đến hết năm 2022.

Từ tháng 1/2022, Chính phủ Việt Nam đã cho phép các hãng hàng không mở lại hoạt động khai thác nội địa và từ tháng 3/2022 là đối với khách quốc tế.

Theo số liệu của Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, số lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tám tháng đầu năm 2022 đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy niên, theo Vietnam Airlines, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm một số yếu tố tiêu cực phát sinh như xung đột chiến tranh Nga - Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến khai thác quốc tế của Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đều gia tăng, công ty này vẫn tiếp tục lỗ trong quý hai cũng như sáu tháng đầu năm.

Một bài phân tích về tình hình kinh doanh hàng không trên báo Nhân Dân hôm 2/9 kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp trợ giúp Vietnam Airlines trước nguy cơ hãng này bị huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán TP HCM (HoSE) do báo cáo lỗ liên tiếp.

Hãng kiểm toán Deloitte trong báo cáo mới cũng cho biết khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.