Việt Nam yêu cầu Netflix, FPT Play gỡ phim Trung Quốc vì có “đường lưỡi bò”

Cục điện ảnh Việt Nam yêu cầu Netflix và FPT Play gỡ phim Trung Quốc “Hướng gió mà đi” (Flight to you) vì nhiều tập có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.

Cục điện ảnh, được truyền thông loan trong ngày 9/7, xác nhận rằng Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt đã ký ban hành công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix; công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi, sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung phim Hướng gió mà đi (39 tập).

Kết quả kiểm tra, theo Cục điện ảnh, phim Hướng gió mà đi có hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim. Cụ thể, đó là trong các tập 18, tập 19, 21, 24, 25, 26, 27, tập 38 và hình ảnh "đường lưỡi bò" từ 2 phút đến 2 phút 3 giây của tập 30.

Từ 41 phút 18 giây đến 41 phút 55 giây của tập 18 còn có đoạn lời thoại và phụ đề ghi rằng "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới".

Từ những chi tiết trên, trong công văn gừi Netflix, Cục điện ảnh ghi: “Việc thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như đã nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, điều 9 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15".

Trên ứng dụng FPT Play, mặc dù Công ty CP Viễn Thông FPT có thực hiện làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim của các tập nêu trên, tuy nhiên trong công văn, Cục điện ảnh khẳng định đây là phim có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.

Cục Điện ảnh đồng thời yêu cầu cả hai Công ty Netflix và FPT gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi. Thời gian thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ 0h ngày 10/7 và có văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi về Cục Điện ảnh trước ngày 12/7.

Trả lời Tuổi Trẻ Online trong ngày 8/7 liên quan đến bộ phim trên, đại diện của FPT Play, cho biết: "Các nội dung trước khi phát hành trên FPT Play luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình kiểm duyệt của pháp luật.

Trước đó, phim "Barbie" của hãng Warner Bros của Mỹ cũng bị cấm chiếu ở Việt Nam vì bị cho rằng mô tả đường chín đoạn của Trung Quốc, vốn bị bác bỏ trong phán quyết trọng tài quốc tế của một tòa án ở The Hague năm 2016.

Mặc dầu hãng phim của Mỹ cho rằng phim “Barbie” không có bản đồ “đường lưỡi bò” mà chỉ là bức vẽ nhưng Cục điện ảnh vẫn giữa quan điểm cấm phim.

Cùng với phim Barbie, Việt Nam cũng mở cuộc điều tra đối với trang web của công ty IME Việt Nam, đơn vị tổ chức chuyến lưu diễn của nhóm nhạc K-pop nổi tiếng của Hàn Quốc là Blackpink, trước buổi biểu diễn của nhóm tại Hà Nội, về những chỉ trích của người hâm mộ cho rằng trang web này hiển thị bản đồ Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn.

Hôm 9/7, đại diện IME lên tiếng trong thông báo gửi Cục điện ảnh và được truyền thông đăng tải rằng "IME đã nhanh chóng rà soát và cam kết thay thế những hình ảnh không phù hợp với người dân Việt Nam... Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất cho sự hiểu lầm đáng tiếc này".

Đường 9 đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" xuất hiện trên nhiều kênh, xâm nhập vào Việt Nam với mục đích tuyên truyền. Báo chí trong nước từng chỉ ra các vụ như bộ phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" (Put Your Head On My Shoulder) chiếu trên Netflix có bản đồ hình đường lưỡi bò phi pháp. Bộ phim này được sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 4.2019. Hoặc bộ phim “Madam Secretary” xuất hiện cảnh phố cổ Hội An lại chú thích là “Fuling, China” (Phù Lăng, Trung Quốc).