Việt Nam - Úc dự định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

* Cập nhật bình luận của Giáo sư Carl Thayer

Việc nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất giữa Việt Nam và Úc sẽ giúp cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc, một nhà quan sát độc lập ở Việt Nam cho biết.

Hôm 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia tại thành phố Melbourne tiết lộ, ông mong đợi sắp tới đây hai quốc gia sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên cấp độ Đối tác chiến lược toàn diện, từ quan hệ Đối tác chiến lược đã đạt được vào năm 2018.

Theo Reuters, trong một tuyên bố của chính phủ, ông Chính cho biết động thái này sẽ "đưa mối quan hệ giữa hai nước trở nên sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn".

Quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản này hiện đang có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với năm nước, đó là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, và Ấn Độ.

Trong tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do trong ngày 05/3, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người cũng là nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore) và thành viên nghiên cứu của Viện IISS (Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), khẳng định:

"Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự tin cậy và chia sẻ tầm nhìn chiến lược giữa hai nước trong việc duy trì một khu vực Indo-Pacific hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp quốc tế."

Ông cũng cho rằng quan hệ mới sẽ mở ra cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước.

Báo Chính Phủ dẫn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn, khi quan hệ song phương được nâng cấp sẽ có "5 cái hơn" là: Tin cậy chính trị tốt hơn, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư cao hơn, hợp tác khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn, hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân sâu sắc hơn, hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, sự ràng buộc chiến lược giữa Việt Nam và Úc có thể đóng vai trò cân bằng lợi ích và tăng cường ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến những căng thẳng giữa các cường quốc.

Việc nâng cấp quan hệ trong khi cả hai nước vừa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái, cũng sẽ thúc đẩy cấu trúc khu vực mở và tự do khi quan hệ mới nhấn mạnh cam kết của hai nước trong việc duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Điều này cũng mở ra triển vọng cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và kinh tế số.

Theo ông, việc Việt Nam và Úc thắt chặt quan hệ sẽ góp phần vào việc thúc đẩy liên kết giữa khối ASEAN và Úc, qua đó tăng cường vai trò và ảnh hưởng của khối này trong cấu trúc khu vực mới nổi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm chính thức đến Úc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ tuần này, Thủ tướng Chính được tháp tùng bởi tám bộ trưởng và ba thứ trưởng. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đại diện Bộ Quốc phòng còn Thứ trưởng Lương Tam Quang đại diện Bộ Công an tham gia trong đoàn.

Bên cạnh việc dự kiến ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao, T.S Hà Hoàng Hợp tiết lộ, hai nước cũng sẽ ký Thỏa thuận hợp tác an ninh trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện.

Theo ông, thoả thuận này cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam, trong việc nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh.

Hà Nội có cơ hội tiếp cận công nghệ, đào tạo và tư vấn quân sự, an ninh từ một đối tác tin cậy là Úc, giúp nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh của mình.

Ngoài ra nó cũng sẽ giúp Việt Nam thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không liên kết với bất kỳ nước lớn nào, góp phần duy trì cân bằng lực lượng, đảm bảo ổn định khu vực trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông nói.

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói trong 5 thập kỷ qua, quan hệ song phương Việt-Úc đã phát triển ổn định. Úc và Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện vào năm 2009, đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015 và đối tác chiến lược vào năm 2018. Vào tháng 11 năm 2021, chính phủ hai nước đã nhất trí về Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Úc-Việt Nam.

Trong email gửi RFA ngày 06/3, ông viết:

"Đã có nền tảng vững chắc để đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới vì cả hai bên đều đồng ý có mức độ tin cậy lẫn nhau cao. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ được xây dựng trên năm lĩnh vực hợp tác rộng lớn có trong quan hệ đối tác chiến lược hiện tại: hợp tác chính trị; hợp tác và phát triển kinh tế; hợp tác quốc phòng, pháp luật và tư pháp, tình báo và an ninh; giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân; và hợp tác khu vực và quốc tế."

Theo vị chuyên gia về vấn đề an ninh và chính trị Việt Nam, từ nhận xét công khai của lãnh đạo và quan chức hai bên, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên mới sẽ bao gồm: thương mại và đầu tư, công nghệ, môi trường, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế kỹ thuật số, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ở Tiểu vùng Mê Kông và hợp tác an ninh hàng hải. Ở tất cả các lĩnh vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nguồn tài trợ cho phát triển nguồn nhân lực.

"Quan hệ Australia-Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ Australia-ASEAN đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia hiện nay, Thủ tướng Albanese đã công bố 6 sáng kiến mới nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN và sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam: Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ đô la Úc, 140 triệu đô la Úc để gia hạn Chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng thêm bốn năm nữa, 64 triệu đô la Úc để tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN, bao gồm 40 triệu đô la Úc cho Quan hệ đối tác hàng hải Đông Nam Á của Australia, bổ nhiệm Mười nhà vô địch kinh doanh để tạo điều kiện liên kết thương mại, ra mắt khu công nghệ Landing Pad tại Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh, và gia hạn thị thực công tác cho doanh nhân đến từ Đông Nam Á từ 3 lên 5 năm."

* Cập nhật bình luận của Giáo sư Carl Thayer vào lúc 23 giờ 30 ngày 06/03