Việt Nam muốn Mỹ gia tăng hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh sau 25 năm bình thường hoá quan hệ

Sau 25 năm bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, giới chức ngoại giao và quốc phòng Việt Nam đánh giá cao những hợp tác từ phía Hoa Kỳ và kêu gọi Mỹ tiếp tục tăng cường giúp Việt Nam khắc phục các hậu quả do chiến tranh để lại.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do trung tâm Stimson tổ chức hôm 15/7 ở Washington DC, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nói:

"Giải quyết các vấn đề do tàn dư chiến tranh đã gắn kết người dân hai nước lại gần nhau hơn. Cuối cùng, điều then chốt nhất chính là quyết tâm của cả hai bên để bỏ lại quá khứ và hướng tới tương lai"

Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao những hợp tác từ phía Mỹ đối với Việt Nam trong công tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, làm sạch các điểm nóng chất độc màu da cam, giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng nhìn nhận việc giải quyết hậu quả chiến tranh là yếu tố quan trọng trong việc phát triển quan hệ hai nước suốt 25 năm qua, bên cạnh các vấn đề về thương mại và an ninh. Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ Kritenbrink nói:

"Giờ đây, là bạn bè và đối tác, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh. Hai bên tiếp tục hợp tác hướng tới những giá trị chung về sự thịnh vượng và hoà bình. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ đối tác giữa hai nước như phía Hoa Kỳ đã từng nhiều lần đề cập là Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và mạnh mẽ, có thể đóng góp vào sự thịnh vượng và hoà bình của thế giới."

Đại sứ Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến việc thắt chặt quan hệ đối tác với Việt Nam trong việc duy trì ổn định và tuân thủ luật quốc tế ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Kritenbrink đã đề cập đến hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh Việt Nam, bao gồm việc chia sẻ các thông tin về quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, và việc trang bị các thiết bị phân tích DNA cho phía Việt Nam.

Hồi tuần trước, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) đã ký bản ghi nhớ ý định để hỗ trợ phân tích DNA nhằm xác định danh tính của khoảng hơn 200.000 quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Dự án kéo dài 5 năm với trị giá lên đến 2,4 triệu đô la.

Theo ông Lê Đình Vũ, Chánh văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), từ năm 1988 đến nay, phía Việt Nam đã trao cho Mỹ khoảng 1.000 bộ hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Trong số này, phía Mỹ đã xác định được DNA của khoảng 700 bộ hài cốt.

Hình minh hoạ. Một phụ nữ trong một đội phá bom mìn ở Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hôm 6/1/2020
Hình minh hoạ. Một phụ nữ trong một đội phá bom mìn ở Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hôm 6/1/2020 (AFP)

Nói về việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Đại sứ Kritenbrink cho biết các tổ chức của Mỹ từ năm 1994 đã tham gia giúp đỡ Việt Nam. Số tiền mà các tổ chức Mỹ đã đóng góp vào công tác rà phá bom mìn ở Việt Nam được Đại sứ Kritenbrink cho biết lên đến hơn 130 triệu đô la, tập trung ở khu vực miền Trung Việt Nam. Phía Mỹ đã gỡ bỏ được khoảng 700 ngàn bom mìn còn sót lại, đào tạo cho khoảng hơn 500 ngàn người dễ bị ảnh hưởng bởi bom mìn ở Việt Nam. Kết quả là trong vòng 3 năm qua, không phát hiện một trường hợp thương vong nào do bom mìn ở tỉnh Quảng Trị, nơi có nhiều bom mìn còn sót lại nhất tại Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink cho biết mục tiêu cuối cùng là đến năm 2025, Quảng Trị sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Việc khắc phục hậu quả chiến tranh cũng bao gồm việc làm sạch các điểm nóng của chất độc dioxin. Hoa Kỳ đã giúp làm sạch điểm nóng đầu tiên là sân bay Đà Nẵng vào năm 2018 và đã giao lại cho phía Việt Nam. Hiện Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam làm sạch điểm nóng thứ hai là sân bay Biên Hoà. Phía Hoa Kỳ cam kết giúp đỡ Việt Nam 183 triệu đô la trong công tác làm sạch chất độc dioxin ở sân bay Biên Hoà.

Theo ông Lê Đình Vũ, Chánh văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), phía Hoa Kỳ các năm qua cũng đã tích cực trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam:

"Hiện nay Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đang phối hợp với Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc và môi trường Việt Nam xây dựng dự án cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc màu da cam. Số vốn là viện trợ không hoàn lại từ chính phủ Hoa Kỳ là 65 triệu đô la. Dự kiến dự án được khởi động trong năm 2020". Ông Vũ cho biết dự án tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, điều trị y tế, phục hồi chức năng, chỉnh hình, cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm hoà nhập xã hội cho người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải chất da cam.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink nhìn nhận mặc dù việc hợp tác giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh là tốt đẹp nhưng hai bên vẫn phải tiếp tục công tác này trong các năm tới.

Ông Lê Đình Vũ kêu gọi chính phủ và các tổ chức Mỹ trong thời gian tới tiếp tục quan tâm giúp đỡ hơn nữa các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam về chăm sóc sức khoẻ và hoà nhập cộng đồng.