Tổng cục lâm nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, mở một cuộc đối thoại chính sách với Tổng cục lâm nghiệp Campuchia vào ngày 22/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục đích của buổi đối thoại này là nhằm đưa ra những biện pháp kiểm soát việc nhập gỗ từ Campuchia vào Việt Nam, ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ lậu.
Theo số liệu của báo Thanh Niên Sài Gòn, nguồn gỗ từ Campuchia đóng vai trò rất quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ Campuchia năm 2017 là 213 triệu đô la. Trong năm 2017, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới với kim ngạch 8 tỷ đô la.
Vào ngày 19/10, tại Brussels, Vương Quốc Bỉ, Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Việc ký kết thỏa thuận này được cho là sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU dễ dàng, nhưng đồng thời phải chứng minh được nguồn gốc của gỗ nguyên liệu là hợp pháp.
Trước đó, vào ngày 15/10, hơn 20 tổ chức phi chính phủ và quốc tế đồng ký tên vào một thỉnh nguyện thư gửi Liên Minh Châu Âu- EU kêu gọi Cộng đồng Châu Âu không nên ký thỏa thuận về gỗ với Việt Nam.
Trong số này có nhiều tổ chức và cá nhân hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo các tổ chức này các cơ quan chính quyền Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ cho việc hối lộ các quan chức Campuchia nhằm khai thác gỗ trái phép đưa vào Việt Nam.
Campuchia mới đây cũng đã đề nghị Interpol điều tra việc Việt Nam đã chấp nhận giấy phép giả cho phép vận chuyển gỗ giáng hương lậu từ Campuchia vào Việt Nam.