Chính quyền tỉnh ven biển miền trung Khánh Hòa đã hủy bỏ 4 dự án thủy điện khỏi quy hoạch phát triển điện lực. Lý do vì các dự án này có thể xâm lấn diện tích rừng lớn và có nguy cơ cao đối với môi trường.
Tin được AFP loan ngày 23 tháng 10 dẫn nguồn từ truyền thông Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam cho biết, bốn dự án bị loại bỏ bao gồm Sông Trăng và Khánh Thượng ở huyện Khánh Vĩnh, dự án thủy điện Sông Cái ở thị xã Ninh Hòa và Hòa Sơn ở huyện Vạn Ninh, với công suất lần lượt là 5, 18, 2 và 4 MW.
Theo ông Tuân, quyết định này đưa ra sau khi tỉnh đã xem xét đề xuất của Sở Công Thương tỉnh về việc dừng phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bốn dự án này được thẩm định và kết luận là hiệu quả kinh tế thấp, xâm hại diện tích rừng lớn, bình quân đến 200 hecta rừng cho một dự án.
Tin cho biết, tỉnh Khánh Hòa hiện hiện có 3 dự án thủy điện đang vận hành là nhà máy Ea Krông Rou 28 MW ở thị xã Ninh Hòa, nhà máy Sông Giang, Sông Chợ 37 MW ở huyện Khánh Vĩnh và dự án thủy điện Sông Giang 1 với công suất thiết kế 12 megawatt đang xây dựng tại huyện Khánh Vĩnh.
Trả lời báo chí nhà nước, Bà Võ Nguyễn Phương Mai, Phó phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, hơn hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư các dự án thủy điện nhỏ ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh. Tuy nhiên, bộ Công Thương đã đề nghị chính quyền tỉnh từ chối các dự án này vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2017, tỉnh Khánh Hòa không có tiềm năng phát triển thủy điện. Các dự án vừa và nhỏ sẽ xâm lấn rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đòi hỏi chi phí cao cho việc tái định cư của người dân bị ảnh hưởng và khó kết nối với lưới điện quốc gia.
Theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua, một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.