Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản mặc dù bị gây áp lực phải thoái vốn khỏi dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá hai tỷ USD tại Việt Nam hồi tuần trước, nhưng sẽ tiếp tục hợp tác trong một dự án nhỏ hơn. Bản tin của This Week in Asia vào ngày 3/3 loan tin như vừa nêu.
Cụ thể, Mitsubishi hiện có 40% cổ phần trong dự án Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2, tỉnh Hà Tĩnh. 60% cổ phần còn lại do Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) và Công ty Điện lực Chugoku của Nhật Bản nắm giữ. Tổng số các khoản vay lên đến 1,7 tỷ USD để mở rộng dự án này là do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Xuất khẩu-Nhập khẩu của Hàn Quốc cùng một số tổ chức tư nhân cung cấp.
Người phát ngôn của JBIC cho biết quyết định hỗ trợ tài chính, thông qua khoản vay 636 triệu USD trong dự án Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 được đưa ra với sự cân nhắc dựa theo chính sách của Chính phủ Nhật Bản và các quy định về năng lượng của Việt Nam.
Đại diện của JBIC còn cho biết thêm rằng đang nỗ lực trong việc trao đổi trực tiếp với Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang điện khí và năng lượng tái tạo. JBIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong vấn đề này.
Kepco được nói là đã không đưa ra phản hồi nào. Tuy nhiên, Kepco cho biết hồi năm ngoái đã chi ra gần 190 triệu USD để mua lại 40% cổ phần trong dự án Nhà máy Vũng Áng 2 từ Tập đoàn Hong Kong’s CLP Holdings.
Tập đoàn Hong Kong’s CLP Holdings thoái vốn khõi Nhà máy Vũng Áng 2 như là một phần trong nỗ lực cho mục tiêu giảm thải khí carbon.
Tổ chức Nordea Asset Management, hiện đang nắm giữ cổ phần trị giá 482 triệu USD của một số công ty tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, hồi tháng 10/2020, đã viết thư kêu gọi các nhà đầu tư rút vốn vì liên quan đến vấn đề khí hậu tăng cao cũng như rủi ro về tài chính và uy tín.
Mitsubishi, Kepco và Samsung C&T Corporation phúc đáp rằng sẽ không can dự vào các dự án nhiệt điện than trong tương lai. Nhưng vẫn tiếp tục các dự án mà các công ty này đã ký kết trước đó.