Bộ trưởng Y tế Việt Nam vào ngày 2 tháng 2 xác nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất hôm 27 tháng 1 tại Việt Nam là do chủng biến thể từ Anh Quốc. Đây là chủng lây lan nhanh và tính đến chiều ngày 2/2 Việt Nam có 301 ca nhiễm lây nhiễm trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành trên cả nước tính từ ngày 27/1.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, như vừa nêu tại phiên họp chính phủ thường kỳ trong cùng ngày. Ông Long khẳng định tiếp sau sáu ngày kể từ khi phát hiện những ca COVID-19 lây trong cộng đồng tại tỉnh Hải Dương, nhóm này đã nằm trong tầm kiểm soát, cơ bản được xử lý.
Ông Nguyễn Thanh Long còn cho biết hai địa phương Quảng Ninh và Hà Nội là những nơi có các ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh, trong khi đó tại Hải Dương số ca nhiễm lại giảm. Đối với thủ đô Hà Nội, Bộ Y Tế Việt Nam sẽ hỗ trợ gia tăng khả năng xét nghiệm lên chừng 40 ngàn trường hợp mỗi ngày.
Bộ Y Tế cho biết đang bàn với cơ quan chức năng Hà Nội về việc áp dụng biện pháp giãn cách toàn thành phố.
Một người dân tại Hà Nội vào chiều ngày 2 tháng 2 cho RFA biết về khả năng cơ quan chức năng khống chế dịch COVID-19 đợt này:
"Việt Nam từ xưa đến nay đã có kinh nghiệm để làm rồi nên đợt này cũng làm nghiêm ngặt lắm, thì chắc cũng trước tết cũng sẽ dập được thôi, không vấn đề gì đâu vì chỗ nào F1, F2, F3 là người ta cách ly hết nên yên tâm trước tết là dập dịch được thôi...."
Một người khác cũng sống tại Hà Nội và có nhận định:
"Chúng tôi quan sát thấy có sự khác biệt giữa ta với tây. Đối với các nước phương Tây thì người ta tự do về vấn đề tôn trọng quyền con người quá nên bùng phát dịch là không thể kiểm soát được nhưng ở Việt Nam cũng như một số nước ĐNA thì họ siết rất là chặt cho nên khoanh vùng rất là triệt để dù biết thiệt hại về kinh tế nhưng vẫn làm cho nên mới ngăn chặn dịch tốt hơn các nước phương Tây là như vậy. Tình hình VN hiện nay đang siết rất là chặt, ở Hà Nội thì 100% học sinh chuyển qua học online rồi, bắt buộc 100% người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, các dịch vụ không cần thiết bị đình chỉ trở lại, cần thiết phải làm như vậy. Tôi nghĩ khoảng độ một tuần nữa thì tình hình dịch sẽ được kiểm soát và không tăng lên nữa, vì theo báo cáo hôm nay số người mắc mới trong cộng đồng rất ít. Theo tôi thì khả năng độ 1 tuần nữa thì sẽ không còn nhũng trường hợp bùng phát trên diện rộng nữa mà sẽ lát đát tại những khu vực đang cách ly chứ ngoài cộng đồng thì ngăn chặn được rồi."
Tin vào chiều ngày 2 tháng 2 cho biết Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh quyết định từ 9 giờ cùng ngày thị Xã Đông Triều thuộc tỉnh này sẽ phong tỏa cách ly y tế thêm 11 xã, phường để phòng chống COVID-19. Biện pháp này được áp dụng đến khi có chỉ đạo mới của tỉnh.
Tính đến nay, thị xã Đông Triều đã lập 170 chốt kiểm soát người và phương tiện giao thông; trong số này có 8 chốt kiểm soát liên ngành của thị xã, 162 chốt của thôn, khu, xã, phường. Thị xã cũng đưa 12 khu cách ly tập trung vào hoạt động.
Đảo Cái Bầu thuộc Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cũng bị phong tỏa từ 0:00 giờ ngày 2 tháng 2 cho đến khi có lệnh mới.
Cơ quan chức năng cũng có qui định bắt đầu từ ngày 3 tháng 2, mọi người dân tỉnh Quảng Ninh đều phải khai báo y tế.
Cũng tin liên quan việc cách ly do COVID-19, truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 2 tháng 2 loan tin có một thuyền viên đang cách ly tập trung tại Cơ sở 2 Bệnh Viện Việt- Tiệp được phát hiện chết trong tư thế treo cổ.
Cơ quan chức năng cho biết người chết là thuyền viên tàu Mekong thuộc một công ty vận tải biển ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tàu Mekong cập cảng Hải Phòng vào chiều ngày 1 tháng 2, thuyền viên này khai báo y tế bị mệt nên phải đi cách ly. Trong khi chờ kết quả thì vụ việc xảy ra.
Do tình hình dịch COVID-19, tính đến ngày 2 tháng 2 có 40 tỉnh thành trên cả nước Việt Nam công bố cho học ỉ tết âm lịch sớm hơn kế hoạch đề ra.