Việt Nam thông báo tàu khảo sát Trung Quốc đã rời VN

Việt Nam chính thức thông tin nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Truyền thông trong nước đồng loạt dẫn phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 8 tháng 8 như vừa nêu.

Theo thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào chiều ngày 7 tháng 8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam.

Mặc dù nhóm tàu này đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng theo lời của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thì Hà Nội tiếp tục theo dõi hoạt động của nhóm tàu này ở Biển Đông.

Reuters cho biết hãng tin đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để hỏi về thông tin mà phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra nhưng chưa nhận được trả lời.

Từ giữa tháng 6 đến nay, các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam đã phải đối đầu với hàng chục tàu Hải cảnh, tàu dân binh và tàu Hải Dương 8 mà Trung Quốc điều xuống khu vực xung quanh và trong Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng ASEAN hôm 31/7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS ở Washington DC, Hoa Kỳ, từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều các tàu Hải cảnh có trang bị vũ khí hạng nặng, tàu dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực gần Bãi Tư Chính của Việt Nam. Các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí ở lô 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở khu vực gần Bãi Tư Chính hồi tháng 7 vừa qua
Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở khu vực gần Bãi Tư Chính hồi tháng 7 vừa qua (Courtesy of Twitter Ryan Martinson)

Theo bản đồ dò tìm tàu được Phó giáo Ryan Martinson đưa lên Twitter, đến ngày 1/8, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn còn quanh quẩn ở khu vực phía bắc Bãi Tư Chính, gần đảo Trường Sa lớn do Việt Nam kiểm soát.

Ngoài phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai tổ chức gồm Hội Nghề Cá Việt Nam vả Hội Dầu khí Việt Nam cũng lên tiếng phản đối hoạt động của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vào ngày 6 tháng 8, một nhóm với khoảng chục nhà hoạt động Việt Nam bất ngờ đến trước Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam như vừa nêu.

Reuters trong bản tin ngày 8 tháng 8 nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ trích hành động dọa nạt của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông tại hội nghị các Bộ trưởng ASEAN vừa qua.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tuần qua cho rằng các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ nên để hai phía giải quyết; các nước khác không nên can dự vào.

Cũng tại cuộc họp báo vào chiều ngày 8 tháng 8, khi được hỏi về việc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan đi vào Biển Đông đến thăm Philippines; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại quan điểm tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế tại khu vực này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại việc duy trì hòa bình; ổn định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; Việt Nam mong muốn các nước có đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu đó.

Liên quan đến Bộ Sách Giáo Khoa lịch sử mới cho cấp phổ thông trung học của Trung Quốc với những thông tin cho rằng Biển Đông là một phần của nước này từ thời cổ đại; người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lặp lại quan điểm lâu nay là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phát biểu của bà Lê thị Thu Hằng về vấn đề này được báo chí trong nước thuật lại là 'việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.'

Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý vào tháng giêng năm 1974. Đến năm 1988, Trung Quốc cho chiếm thêm một số đảo đá mà chính quyền Hà Nội quản lý tại quần đảo Trường Sa.

Trong mấy năm qua, Bắc Kinh cho bồi lấp, xây dựng bảy đảo đá tại quần đảo Trường Sa thành những tiền đồn quân sự trong khu vực này.