Truyền thông trong nước mới đây cho biết đoàn thanh tra liên ngành phát hiện hơn 11.000 hồ sơ thương binh nghi làm giả và bước đầu đã dừng trợ cấp gần 2.300 trường hợp “khai man, giả mạo giấy tờ gốc” trong số này.
Con số này được ghi nhận từ báo cáo sau cuộc thanh tra do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng tại bảy quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội từ năm 2015 đến nay.
Đây là cuộc thanh tra đầu tiên với quy mô lớn được Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng phối hợp tiến hành.
Báo Pháp luật TP.HCM hôm 19/9 cho biết: “Hồ sơ vụ việc này phức tạp và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong số các hồ sơ đưa vào diện nghi vấn có gần 7.500 hồ sơ “cần giám định”, gần 3.000 hồ sơ “cần kiểm tra, xác minh” và hơn 1.000 hồ sơ “cần bổ sung theo quy định”.
Tờ báo dẫn lời một giới chức ẩn danh của Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh: "Việc giám định hồ sơ cần khá nhiều tiền nhưng trước đây việc bố trí kinh phí hạn chế nên phải làm dần. Dự kiến năm 2019 cần 2 tỉ đồng để tiến hành giám định các hồ sơ còn lại. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được cấp hơn 1 tỉ đồng. Hiện việc thu hồi số tiền trợ cấp, hỗ trợ [của các hồ sơ thương binh giả] gặp khó khăn vì đa phần đối tượng lớn tuổi, có người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đã chết nên kiến nghị miễn thu hồi một số đối tượng."
Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên hôm 12/9 cho biết Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt tạm giam bà Lê Thị Thu Hương, Phó cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố Quảng Ngãi vì liên quan đến đường dây lập danh sách thương binh giả để chiếm đoạt tiền ngân sách.
Điều tra ban đầu cho biết, bà Hương lập danh sách 33 thương binh giả để chiếm đoạt khoảng 50 triệu đồng/tháng và khoảng 600 triệu đồng/năm. Để nhận số tiền này, bà Hương "phù phép" cho người ký nhận, sau đó “chia tiền hưởng lợi với nhau”. Vụ việc này được ghi nhận kéo dài từ năm 2002, đến đầu tháng 7/2018 thì mới bị phát hiện và điều tra.