Ô nhiễm không khí không chỉ đang là nỗi lo của người dân Việt Nam mà mỗi năm, ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế từ 10,82 đến 13,63 tỷ USD, tương đương 4,45-5,64% GDP.
Thông tin trên được nêu từ kết quả nghiên cứu của Đại học kinh tế quốc dân (Hà Nội) tại tọa đàm “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” được diễn ra hôm 14/1.
Tại tọa đàm, Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Đức Trường, trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị Đại học Kinh tế quốc dân cho biết kết quả trên được Đại học kinh tế quốc dân theo đuổi trong gần 10 năm nay và các thông tin liên tục được cấp nhật. Do đó, kết quả nghiên cứu theo ông Trường là tương đối hoàn thiện.
Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại VN, ông Trường cho rằng việc tiêu thụ than ở VN trước đây chiếm 36%, nhưng nay càng ngày càng tăng cũng là 1 trong 3 nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí tăng.
Theo TS Trường, trung tâm Luật và Chính sách môi trường, Đại học Yale (Mỹ) hàng năm đều đưa ra chỉ số EPI đây là chỉ số tổng hợp để đánh giá vị trí về chất lượng môi trường của các nước trên thế giới. Chỉ số này EPI công bố hàng năm để xếp hạng các quốc gia trên thế giới.
Ông Trường kết luận nếu so sánh chất lượng không khí riêng thì Việt Nam đang tụt hậu và nếu so với thế giới thì VN nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí.
Liên tục trong những tháng cuối năm 2019 và đầu 2020, ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn của VN là TPHCM và Hà Nội đều vượt ngưỡng báo động. Ứng dụng quan trắc PAM Air cho thấy AQI tại Hà Nội đều vượt mức 200 tức rất nguy hại cho sức khỏe. Hà Nội từng bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.