Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp các phản đối của quốc tế

Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 sau phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 11/10, bất chấp những phản đối của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin nhận định rằng: "kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và cam kết mạnh mẽ cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và tin tưởng".

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và các nhóm về môi trường đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các cam kết về nhân quyền trong cương vị mới của mình. Đó là trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giam trong vòng hai năm qua với các cáo buộc tội trốn thuế mà quốc tế cho là vô lý.

"Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ, bước đầu tiên ngay lập tức mà Chính phủ Việt Nam nên làm là chứng minh cam kết về nhân quyền của mình bằng cách trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh – người nhận giải thưởng môi trường Goldman – cùng các nhà bảo vệ môi trường khác bị bỏ tù trong hai năm qua" – ông Michael Sutton – Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman được trích lời trong thông cáo báo chí.

"Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Chính phủ Việt Nam nên cho thấy là mình đã chuẩn bị để tôn trọng các quyền con người thay vì vi phạm chúng." – ông Phil Robertson, Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch phát biểu.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19, Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ủy ban Luật gia Quốc tế -ICJ đã đưa ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng.

Theo thông cáo này, kể từ khi Hà Nội tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền vào ngày 22/2/2021, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ, hoặc bỏ tù ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và những người lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ với các tội danh như “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Trốn thuế” trong Bộ Luật hình sự.

Theo thống kê của RFA, kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt bỏ tù ít nhất 29 người với các cáo buộc như vừa nêu.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho 14 nước vào Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sáu ứng cử viên cho bốn ghế. Các nước Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives và Việt Nam đã đánh bại hai nước khác là Nam Hàn và Afghanistan để vào Hội đồng.

Louis Charbonneau, Giám dốc của HRW tại Liên Hiệp Quốc nhận định: "Việc bầu cho các chính phủ đàn áp như Việt Nam vào Hội đồng chỉ phá hỏng uy tín của Hội đồng Nhân quyền".

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Hội đồng là vào nhiệm kỳ 2014 – 2016.