Chuyên gia Việt Nam quan ngại về tác động từ đập thủy điện Trung Quốc trên sông Hồng

Các đập trên sông Hồng phía Trung Quốc đang gây ra tình trạng thiếu phù sa, lũ lụt cũng như hạn hán liên tục ở hạ lưu dòng sông tại Việt Nam. Tình trạng được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn và Hà Nội phải có sự quan tâm đúng mức.

Truyền thông trong nước đưa tin và được báo nước ngoài dẫn lại ngày hai tháng ba. Theo đó, vào tuần cuối tháng Hai, đoạn sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai, nước ở một số vùng cạn đến mức có thể nhìn thấy lòng sông ở độ sâu một mét. Đây được cho là bất thường vì sông Hồng thường có màu đỏ hoặc hồng.

VN Express trích dẫn ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, rằng nguyên nhân của những thay đổi ở sông Hồng có thể do các nhà máy thủy điện và hồ chứa của Trung Quốc ở thượng nguồn có thể đã giữ lại phù sa. Việc này sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng. Ông Tứ cho biết thêm, 39% lượng nước của sông Hồng đến từ Trung Quốc, lượng phù sa tương đương với 160 đến 200 triệu tấn mỗi năm.

Việc thiếu phù sa có thể đã làm cho lòng sông bị sụt xuống thấp hơn, không còn nước vào ruộng của nông dân. Do đó, các nhà chức trách buộc phải xả khoảng 3-5 tỷ m3 nước mỗi năm từ các đập ở tỉnh Hòa Bình và Tuyên Quang để phục vụ tưới tiêu.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Viện trưởng Viện Cơ học và Môi trường, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng nhận định rằng, các nhà máy thủy điện của Trung Quốc có thể được coi là nguyên nhân chính làm giảm mạnh lượng phù sa ở sông Hồng.

Bà Châu cho biết khảo sát cho thấy nước sông ở Lào Cai ngày càng trong hơn sau khi Trung Quốc bắt đầu vận hành hai nhà máy điện lớn trên thượng nguồn sông Thao.

Bà khẳng định Việt Nam đã nhiều lần hứng chịu lũ quét do Trung Quốc gây ra, trong mùa khô thì đồng bằng sông Hồng lại bị hạn hán vì các đập ở thượng nguồn trữ nước

Các chuyên gia kêu gọi một cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc tương tự như cơ chế của Ủy hội Sông Mekong để trao đổi thông tin.