Thép, nhôm, xi măng và phân bón là bốn ngành được dự báo sẽ chịu thiệt hại đáng kể, có thể lên đến hàng tỷ đô la, khi xuất khẩu vào thị trường EU trong những năm tới khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào ngày 1/1/2026. Đây là Báo cáo tóm tắt về tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với Việt Nam do Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên Môi trường) mới được công bố. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 4/6.
CBAM là cơ chế đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại quốc gia xuất xứ hàng hóa. CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với sáu loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro… nhóm hàng hóa này hiện chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Từ ngày 1/10/2023, các doanh nghiệp sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón có sản phẩm xuất khẩu vào EU đã phải thực hiện Báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, bốn ngành này có thời gian hai năm trước khi cơ chế này được áp dụng chính thức vào ngày 1/1/2026.
Theo Báo cáo mới được công bố, thép là một trong những ngành có phát thải carbon và tiêu tốn năng lượng lớn nhất. Riêng với mặt hàng này, Hiệp định EVFTA được cho là đã mở ra một “con đường cao tốc” cho sắt thép Việt Nam tiến sâu vào 27 thị trường thành viên EU.
Trong năm 2023, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 3,2 triệu tấn, đạt trị giá gần 2,5 tỷ đô la. Tuy nhiên, theo tính toán trong kịch bản của Báo cáo, nếu Việt Nam giảm cường độ phát thải ở mức 1% - 1,5% một năm như đã đặt ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh, thì sản lượng sản xuất sẽ giảm khoảng 0,8% vào năm 2030 tương đương 0,4 triệu tấn. Điều này khiến giá trị xuất khẩu thép của Việt Nam giảm, giá trị xuất khẩu thép sang EU vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 51,2%, tương đương 1,1 tỷ đô la.
Đối với ngành nhôm, hiện EU chiếm từ 3% đến 12% thị trường xuất khẩu nhôm của Việt Nam. Phân tích giả định của Báo cáo cho rằng sản lượng nhôm của Việt Nam sẽ giảm khoảng 0,4%, tổng giá trị xuất khẩu nhôm vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 4,3% tương đương 0.1 tỷ USD.
Phân bón và xi măng là hai ngành còn lại cũng chịu ảnh hưởng của CBAM nhưng không đáng kể so với hai ngành kia vì lượng hàng xuất khẩu sang EU không nhiều.
Báo cáo cho biết hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt nam sẵn sàng cho chuyển đổi xanh và chưa đáp ứng đủ điều kiện.