Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Đến hạn trả nợ gốc nhưng tàu vẫn chưa chạy

Truyền thông nhà nước hôm 21 tháng 10 đưa tin Chính phủ Việt Nam đã gửi Quốc hội báo cáo về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.

Theo báo cáo, Bộ Tài chính đã phải trích quỹ để trả nợ gốc cho một trong ba hiệp định vay vốn từ Trung Quốc để đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong khi vẫn chưa biết khi nào mới đưa dự án vào vận hành.

Thông tin về số tiền phải trả nợ gốc lần này không được đề cập. Tuy nhiên, trong năm 2020, Bộ Giao thông-Vận tải đã phải trả hơn 152 tỷ đồng (6,7 triệu USD) nợ gốc cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Báo cáo trên cũng cung cấp thông tin chi tiết về vốn đầu tư dành cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, vốn gây tranh cãi và khiến người dân có cái nhìn không thiện cảm đối với dự án này.

Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu được dự tính là 8.769,9 tỷ đồng (552,86 triệu USD), nhưng cho đến nay đã tăng lên thành 18.001,5 tỷ đồng (868,04 triệu USD). Tăng hơn 1/3 so với dự tính ban đầu.

Trong tổng số 868 triệu USD chi cho dự án này, Chính phủ Việt Nam phải vay 670 triệu USD từ Trung Quốc, với ba hiệp định vay được ký kết.

Theo thông tin từ báo cáo mang tên AidData được công bố hồi tháng 9 năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước có tốc độ hoàn thành các dự án đầu tư bởi vốn từ Trung Quốc chậm nhất.

Cũng theo báo cáo AidData, thì Việt Nam có khoảng năm dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành Đai-Con Đường, với tổng số tiền lên đến 2.75 tỷ USD, và Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm 10 nước có số dự án dính tới “tai tiếng, và dấu hiệu vi phạm hợp đồng”.

Được biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phải lãnh trách nhiệm trả nợ cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho đến khi nào dự án và nghĩa vụ trả nợ được bàn giao cho thành phố Hà Nội.