Có gần 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, tính đến 9 giờ tối ngày 6/11, sau khi cơn bão số 12 với tên gọi quốc tế là Damrey đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào ngày 4 tháng 11. Đây là thời điểm ngay trước thềm Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC lần thứ 29.
Đà Nẵng, nơi tổ chức Hội nghị APEC, đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cơn bão đã đổ bộ vào phố cổ Hội An, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là nơi phu nhân của các vị lãnh đạo cấp cao tham dự APEC lần này sẽ đến tham quan vào cuối tuần này.
Những nhà hàng và khách sạn tại Hội An đã bị ngập trong nước, và khoảng 300.000 người dân và du khách được di tản ra khỏi đây bằng thuyền. Công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành nhanh chóng.
Cựu bí thư thành phố Hội An, ông Nguyễn Sự, vào chiều tối ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin về tình trạng mưa lũ tại phố cổ này:
Mấy ngày qua ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam mưa rất lớn, mưa trên nguồn kết hợp với triều cường đúng ngày 16 và 17 âm lịch và gió mùa đông bắc. Đồng thời vì lượng mưa quá lớn nên các hồ trên núi phải xả lũ dẫn đến nước Hội An lên rất nhanh và lên cao. Đêm qua lúc 2 giờ sáng nước ở Hội an đã lên mức 3m17 trên báo động 3 là 1m17 tương đương lũ năm 1999. 6 năm nay lượng mưa đã giảm kể cả ở hạ du và đầu nguồn. Hiện nay mực nước đang rút xuống mà xuống chậm, hiện nay mực nước ở Hội An còn cao, dù là ở mức 2m97 tức là trên mức báo động ba là 0m97 và tình hình đến bây giờ là ổn hơn hôm qua nhiều.
Thiệt hại về vật chất do bão số 12 gây nên ở miền Trung hiện đã ở mức chục ngàn tỷ đồng. Đến giờ, tin cho hay có hơn 1.000 căn nhà bị sập đổ, và gần 115.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Khánh Hòa là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất với 27 người chết, 5 người mất tích và 89 người bị thương. Bản tin trên mạng của Người Lao Động online viết rằng: Khánh Hòa tan hoang như bình địa, người chết tăng không ngừng.
Ông Huỳnh Ngọc Đông, Chánh văn phòng tỉnh Khánh Hòa vào chiều ngày 6 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết công tác khắc phục và việc bồi thường do trận bão gây nên tại địa phương này:
"Chiều này chính phủ tiến hành họp trực tuyến, trong đó có Khánh Hòa, nghe các biện pháp khắc phục sau bão. Hiện nay chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai xuống các địa phương thực hiện công tác hỗ trợ cho người dân trong công tác khắc phục hậu quả.
Về chính sách thì chúng tôi cũng bảo đảm theo qui định mức hỗ trợ cho người bị thiệt mạng, nhà bị sập, nhà bị đổ. Đó là người bị chết hỗ trợ 20 triệu đồng một người, một nhà bị sập hoàn toàn 20 triệu đồng, một nhà bị đỗ 15 triệu đồng… Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức cùng tham gia hỗ trợ vào quĩ từ thiện để giúp cho dân."
Như lời ông Huỳnh Ngọc Đông thì vào chiều nay, ngày 6 tháng 11 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, để cùng thảo luận về công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 12.
Sau cuộc họp, văn phòng chính phủ cho biết những công tác được thực hiện ngay là hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để người dân không bị đói rét hay thiếu nước uống, đồng thời tập trung lực lượng và phương tiện để tìm người mất tích, và cứu chữa những người bị thương.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho biết mưa to vẫn tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, phải đến hết ngày 8 tháng 11 mới chấm dứt.
Những bản tin chúng tôi ghi nhận được cho thấy mực nước sông ở các tỉnh vừa nói tiếp tục dâng cao, có thể dẫn đến tình trạng vớ đê điều, hồ đập.
VNExpress dẫn lời ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển-Nông Thôn nói rằng: Tất cả những khu vực đang bị đe dọa ảnh hưởng nặng nề, tất cả các hồ và sông đều ngập nước.
Mưa to, lũ lớn cũng gây nguy cơ sạt lở đất đai ở những khu vực miền núi.