Chính phủ Việt Nam nới lỏng quy định xuất khẩu gạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, chính thức bãi bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.

Điều này được cho là cởi trói cho việc xuất khẩu gạo của thương nhân, bởi theo nghị định mới, thương nhân chỉ cần có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo cũng như có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không giới hạn sức chứa hay công suất như trước đây.

Tuy nhiên định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận nhằm duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.

Nghị định 107 có một quy định được cho là rất thoáng đối với thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. Theo đó, thương nhân xuất khẩu những loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và không phải báo cáo theo quy định, chỉ cần xuất trình cho Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của văn bản xác nhận, chứng nhận hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu hợp pháp.

Nghị định 107 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2018. Nghị định 109 năm 2010 chính thức được bãi bỏ.

Theo Vneconomy, cộng dồn 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt hơn 3,8 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, trong quý 4/2018 các thị trường truyền thống như Cuba, Iraq, Indonesia, Philippines và Malaysia có thể sẽ nhập khẩu từ 3 đến 4 triệu tấn gạo, chưa kể Trung Quốc và châu Phi.

Thống kê cho thấy trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo các loại.