Thêm hai tổ chức nhân quyền phản đối những bản án tuyên cho dân Đồng Tâm

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền vào ngày 16 tháng 9 ra tuyên bố về việc Tòa Hà Nội kết án những người dân Đồng Tâm hôm thứ hai 14 tháng 9 vừa qua.

Tuyên bố của hai tổ chức vừa nêu nhắc lại hai án tử hình mà tòa tuyên đối với hai con trai của ông Lê Đình Kình, người bị lực lượng chức năng giết chết trong vụ tấn công vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 ngay tại nhà riêng. Hai người con đó là Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Anh Lê Đình Doanh, cháu nội của ông Lê Đình Kình, bị án chung thân.

26 người còn lại bị tuyên từ 15 tháng án treo cho đến 16 năm tù giam. Tội danh mà tòa nêu ra là ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ; tuy nhiên theo hai tổ chức vừa nêu thì đó là những tội danh ngụy tạo.

Phiên xử 29 người theo thông báo của Tòa án Hà Nội kéo dài 10 ngày, thế nhưng chỉ diễn ra trong 5 ngày và bị cho là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của một phiên tòa công bằng. Nhiều điều bị cho là phi lý trong bản Kết luận Điều Tra của Công an Thành phố Hà Nội và bản Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Hà Nội được Tòa chấp nhận. Nhiều lý lẽ và đề nghị của nhóm luật sư bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm bị Tòa bác bỏ. Quyền bào chữa và tự bào chữa bị ngăn chặn. Cáo buộc tra tấn, ép cung mà 19 người dân Đồng Tâm nêu ra bị Tòa lờ đi…

Điểm đặc biệt được nêu ra trong Tuyên bố là yêu cầu triệu tập nhiều nhân chứng quan trọng và người có liên quan chặt chẽ đến vụ án bị bác bỏ. Tòa cũng bác bỏ đề nghị thực nghiệm hiện trường dù đây là một điều bắt buộc trong các vụ án giết người.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền phản đối những bản án như vừa nêu đối với 29 người dân Đồng Tâm. Song song đó hai tổ chức này kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay và vô điều kiện cho những người đang bị giam tù; tiến hành điều tra những vấn đề liên quan gồm cáo buộc tra tấn trong thời gian xét hỏi, kế hoạch tập kích vào xã Đồng Tâm, về cái chết của ông Lê Đình Kình, về thông tin nói 3 công an chết trong vụ tập kích. Công cuộc điều tra phải có sự tham dự của quan sát độc lập quốc tế. Kết quả điều tra phải được công khai cho công luận trong và ngoài nước.

Một kêu gọi nữa trong Tuyên bố của hai tổ chức vừa nêu là Việt Nam phải sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm quyền tư hữu đất đai thì mới có thể ngăn chặn tình trạng các cấp chính quyền tước đoạt đất của người dân như xảy ra tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Trước hai tổ chức này, các tổ chức nhân quyền quốc tế khác như Human Rights Watch và Amnesty Interantional cũng ra thông cáo phản đối các bản án tại phiên toà Đồng Tâm.