Việt Nam đàm phán gia nhập IPEF

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 26/5 cho báo chi biết Việt Nam đang trong quá trình thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình dương vì thịnh vượng (IPEF). Tuy nhiên, bà Hằng cho biết việc gia nhập hay không sẽ tuỳ thuộc vào kết quả sau cùng.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 26/5 ở Hà Nội, bà Hằng cho biết: "Trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột: Thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi các-bon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng".

IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức khởi động quá trình thảo luận nhân chuyến thăm Nhật Bản hôm 23/5 vừa qua. Đây là sáng kiến do Mỹ phát động nhằm làm đối trọng với những ảnh hưởng về kinh tế và thương mại ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017.

Đã có 12 nước ngoài Mỹ bày tỏ mong muốn tham gia lúc ban đầu vào IPEF bao gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Australia.

IPEF được cho là không có quá nhiều ràng buộc so với TPP và các nước tham gia có thể lựa chọn tham gia một hay nhiều trụ cột được nêu trong Khuôn khổ. Ngoài ra, việc ký kết IPEF cũng không yêu cầu phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội Mỹ như đối với vác hiệp định thương mại khác vốn có tính ràng buộc cao hơn.

Tuy nhiên, đây cũng được cho là một nhược điểm của Khuôn khổ vì nó sẽ không có nhiều những hấp dẫn về tiếp cận thị trường Mỹ như trong các hiệp định thương mại.

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ, trong vòng 12 đến 18 tháng tới, Chính phủ Mỹ hy vọng có thể kết thúc việc đàm phán đúng vào dịp Thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 năm 2023 tại Mỹ. Hoa Kỳ đang hy vọng “có một thu hoạch sớm” đối với Khuôn khổ này, nhất là đối với với các trụ cột về thương mại và chuỗi cung ứng.