Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.
Số liệu vừa nêu được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.
Trong tổng số hơn 96 triệu dân của Việt Nam, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.
Tỷ số giới tính của Việt Nam có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao thì tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ).
Tổng số hộ dân cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam là gần 27 triệu hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Bình quân 3,6 người/một hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Tuy nhiên, vẫn còn gần 8% hộ dân cư, với khoảng 7,7 triệu người đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người.
Phát biểu tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều tra dân số, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc điều tra quy mô lớn nhất, tổng cộng có gần 12 ngàn Ban chỉ đạo, 78 ngàn thành viên, với sự hợp tác của khoảng 147 ngàn điều tra viên thống kê; điều tra trên 96 triệu người sinh sống tại trên 26 triệu hộ.
Ông Huệ cũng cho biết, đây cũng là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra. Tính sơ bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, để tiết kiệm ngân sách, cơ quan chức năng đã sử dụng 125 ngàn chiếc điện thoại thông minh của điều tra viên để điều tra dân số. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin dân số với chi phí rẻ.
Hai vấn đề về dân số của Việt Nam được bàn nhiều hiện nay là nguy cơ mất cân bằng giới giữa nam và nữ khi mà quan niệm ‘trọng nam, khinh nữ’ vẫn còn với mong muốn có con trai nối dõi. Thứ hai là tình trạng dân số ‘già trước khi giàu’.