Lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam

Lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên phục vụ mục đích thử nghiệm đã được sản xuất tại Việt Nam và sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm Gamaleya của Nga để kiểm tra chất lượng. Hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 21/7.

Tin trích lời ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) trong một thông cáo của Quỹ này cho hay: RDIF và Công ty dược phẩm VABIOTECH của Việt Nam “đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ” để người dân Việt Nam có thể tiếp cận dễ dàng hơn với vắc-xin Sputnik V.

Ông Đỗ Tuấn Đạt- Chủ tịch Công ty VABIOTECH của Việt Nam cũng được dẫn lời nói rằng ông hy vọng sự hợp tác giữa RDIF và VABIOTECH sẽ giúp cung cấp cho Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á loại vaccine COVID-19 “chất lượng và giá cả phải chăng.”

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới khiến cho 1/3 dân số đang phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Việt Nam đã chậm chạp trong việc mua sắm và tiêm vắc-xin. Tính tới ngày 19/7/2021, mới chỉ có 4,3 triệu liều vắc-xin được tiêm trong cả nước.

Nga đã đăng ký vắc-xin Sputnik V vào tháng 8 năm ngoái trước các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại về quy trình được thúc đẩy nhanh này.

Sau đó, vắc-xin Sputnik V đã được tuyên bố là an toàn và có hiệu quả bảo vệ hơn 90% trong một báo cáo được xuất bản bởi tạp chí y tế hàng đầu The Lancet, giúp khôi phục niềm tin vào loại vắc-xin này. Theo RDIF, tới nay 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng dân số trên 3,7 tỷ người đã đăng ký vắc-xin Sputnik-V.

Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn cho phép sử dụng vắc-xin Sputnik-V của Nga vào ngày 23/3/2021. Đưa tin về sự hợp tác RDIF và VABIOTECH, báo chí Nhà nước dẫn lời nhà khoa học Nga Denis Logunov, người được xem là nhà phát triển hàng đầu vaccine Sputnik V, cho biết: Trong bản đánh giá dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người sử dụng vừa qua, vắc-xin Sputnik-V đạt hiệu quả 97,6% trong việc ngăn chặn COVID-19.

Viện Gamaleya ngày ngày 29/6 cho biết thêm vắc-xin Sputnik-V cũng đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể mới Delta của virus SARS-CoV-2 vốn có tốc độ lây lan rất nhanh.