Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mới đây ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt vào khi Việt Nam đang bị các nước công nghiệp phát triển G7 xếp vào danh sách xám cảnh báo về tình trạng này.
Danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF) bao gồm các quốc gia cam kết giải quyết các rào cản đã được xác định để chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong một thời gian nhất định. Các nước trong danh sách này bị giám sát chặt chẽ hơn so với các nước khác.
Truyền thông Nhà nước hôm 27/2 cho biết, quyết định về kế hoạch hành động được giao cho Bộ Tài chính. Bộ này phải phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo; thời hạn thực hiện là tới tháng 5/2025.
Các hành động được đề cập cụ thể trong kế hoạch hành động bao gồm: xây dựng khung pháp lý đối với các tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro trong lĩnh vực này; đào tạo, phổ biến nâng cao hiểu biết, nghĩa vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Cho đến lúc này, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý đối với việc sở hữu, buôn bán trao đổi và sử dụng tài sản ảo dù không chấp nhận tiền kỹ thuật số. Các giao dịch tiền kỹ thuật số ở Việt Nam về cơ bản được thực hiện trên các nền tảng trao đổi buôn bán của quốc tế hoặc trực tiếp.
Theo trang tin The Register, Việt Nam không muốn tiếp tục trong danh sách của FATF vì muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là vào khi Hà Nội đang muốn trở thành trung tâm công nghiệp chất bán dẫn.