Hôm 12-7, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 dẫn kết luận của Cơ quan điều tra quân đội xác định, quân nhân Trần Đức Đô "tự treo cổ" không lý do.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Thìn nói: "Cơ quan điều tra cũng xác định, không phát hiện quân nhân Đô bị xúi giục, ức hiếp, làm nhục; không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình và quan hệ tình cảm nam nữ; không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay nợ; không có dấu vết bị đánh đập, hành hung. Các vết bầm tím trên thi thể quân nhân Đô là do cọ xát trong lúc treo cổ và lúc cắt dây để đưa xuống cấp cứu đã làm va đập vào thân cây. Các dấu vết này đã được cơ quan pháp y của Công an tỉnh Thái Nguyên khám nghiệm, kết luận khi dựng lại hiện trường, có sự chứng kiến của gia đình và luật sư.”
Cơ quan điều tra khu vực 3 của Quân khu 1 ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.
Ông Thìn cũng cho rằng, trước khi xảy ra vụ việc một ngày, Đô đã hỏi bạn cùng quân ngũ là "đã bao giờ nghĩ đến việc tự tử chưa".
Từ ngày 29/6, trên mạng xã hội Facebook đã lan truyền nhiều hình ảnh và video về quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi), quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tử vong khi làm nghĩa vụ quân sự ở Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Đại học quân sự Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên).
Trong các video được đăng tải, người nhà của quân nhân này nói rằng Đô đã bị giết hại và đòi phải điều tra xác minh.
Vào ngày 30/6, truyền thông Nhà nước trích thông tin của Bộ Quốc phòng xác định anh Trần Đức Đô đã tử vong sau khi được đi cấp cứu tại bệnh viện vào chiều ngày 28/6.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, vào khoảng thời gian từ 13h45 đến 14 giờ ngày 28/6, khi đơn vị đang làm công tác chuẩn bị huấn luyện thì quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy, xin ra ngoài vệ sinh do đau bụng.
Vào khoảng 14h20, khi không thấy Đô quay lại, chỉ huy đã điều ba quân nhân khác đi tìm và phát hiện quân nhân Trần Đức Đô đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện của đơn vị khoảng 50 mét. Đơn vị đã đưa Đô đi bệnh viện cấp cứu nhưng Đô không qua khỏi.
Bố của nạn nhân là ông Trần Đức Hội lại có những thông tin khác khi trải lời VTC. Ông cho biết, khoảng 17h ngày 28/6, ông nhận được điện thoại của người xưng là thủ trưởng của cháu Đô gọi đến báo với gia đình là cháu bị đột quỵ tại thao trường. Đến 10 phút sau thì họ lại gọi bảo con ông đang nguy cấp được cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Ông Hội cho biết:"Gia đình tôi tức tốc lên trên đó và khi đi được nửa đường thì lại nhận được điện thoại nói con ông có mâu thuẫn gì không mà thắt cổ tự tử. Khi gia đình đến nơi thì những người của quân đội không cho gặp ngay mà cứ đưa đi vòng vèo; đến khi ông thấy thi thể của con trai thì đã lạnh cóng, cứng đơ, tím ngắt."
Ông Hội cũng cho VTC biết, thân thể của Đô có nhiều vết thương như mạng sườn, ngực bị sưng tím, lưng hằn dây thừng thắt chặt và tím, nhiều vết thương bầm dập khắp cơ thể.
Việc quân nhân bị đánh khi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phải là mới ở Việt Nam. Vào năm 2004, truyền thông Nhà nước cũng đăng thông tin sáu quân nhân đánh chết một quân nhân khác vì cho rằng quân nhân này vi phạm kỷ luật quân đội và phải bị xử phạt. Cơ quan Điều tra hình sự quân đội đã điều tra và đề nghị Viện kiểm sát Quân sự Quân đoàn 1 truy tố những người này về tội cố ý gây thương tích.