Bộ ngoại giao Việt Nam (BNG) và Bộ Công an mới đây phản ứng trước việc hai chính phủ Anh và Canada trao giải thưởng nhân quyền cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hôm 18 tháng 2, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao hai nước Anh và Canada trao giải thưởng nhân quyền cho nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang bị cầm tù ở Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng gọi hành động trao giải thưởng Tự do truyền thông cho nhà báo người Việt là "thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam".
Bà Phó phát ngôn gọi nhà báo Phạm Đoan Trang là “đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam” và có hành vi gây "nguy hiểm cho xã hội".
Bình luận về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập tờ báo trực tuyến Luật khoa Tạp chí, cho hay:
"Cái phát ngôn này nó không có gì đặc biệt cả, và nó phản ánh cái tư duy cũng như là cách hành xử thường thấy của chính quyền Việt Nam. Thì vấn đề là những cái tư duy phản dân chủ, phản nhân quyền như cái phát ngôn của Bộ Ngoại giao này, nó chính là lý do mà những người như Phạm Đoan Trang đã phải đứng lên đấu tranh."
Ông Long cũng nói thêm về câu nói mang tính răn đe của bà Phạm Thu Hằng khi cho rằng việc trao giải thưởng này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ của các nước kể trên với Việt Nam:
"Tôi tin rằng là nó không có lợi cho chính phủ, cho đảng Cộng Sản Việt Nam, chứ không có hại gì cho người dân Việt Nam cả.
Một cái điều rất là trái khoáy đó là trong khi Bộ Ngoại giao của những nước như Canada và Anh, mang tiền bạc và công sức của họ đi để bênh vực cho những người đấu tranh ở những nước khác, thế thì Bộ Ngoại giao Việt Nam lại có một cái phát ngôn hoàn toàn đi ngược lại với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, ngược lại với lẽ thường trong đời sống, khi mà đi ủng hộ cái việc bắt giữ, giam giữ công dân nước mình."
Hai ngày sau phản ứng của cơ quan ngoại giao, đến lượt Bộ Công an lên tiếng.
Trong bài báo đăng tải hôm 21 tháng 2 trên trang Công an nhân dân online, cơ quan ngôn luận của lực lượng công an gọi việc các nước và tổ chức quốc tế trao giải thưởng nhân quyền cho nhà báo Phạm Đoan Trang là “đánh giá sai lệch”.
Bài viết của tác giả Minh Đăng còn cáo buộc các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Phóng viên Không biên giới (RSF), và Theo dõi Nhân quyền (HRW) là “những tổ chức thù địch”, đã có những thông cáo báo chí chứa “lời lẽ, ý kiến nhằm cổ xuý việc trao giải thưởng nhân quyền” cho nhà báo người Hà Nội.
Phản ứng trước cáo buộc đưa ra bởi Bộ Công an Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói:
"Vấn đề mang tính căn bản ở đây đó là Bộ Công an không biết hoặc không quan tâm đến nhân quyền, mặc cho việc chính phủ có trách nhiệm phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, được quy định ở tại Công ước Quốc tế về Các quyền Chính trị và Dân sự mà Việt Nam đã tham gia.
Thay vì lắng nghe những tiếng nói góp ý chân thành về tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống, thì Bộ Công an lại áp dụng hình thức thảm hại đó là bịt miệng những người lên tiếng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tự hào khi bày tỏ tình đoàn kết với nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo Phạm Đoan Trang, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy.”
Bài báo của Bộ Công an còn cáo buộc các tổ chức nhân quyền quốc tế “kích động chống phá”, đáp lại lời cáo buộc này, ông Phil Robertson cho rằng chỉ những bộ não có vấn đề ở trong Bộ Công an mới có thể nghĩ ra cáo buộc như vậy.
Nhà báo Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 tại Hà Nội, bà được biết đến với tư cách là một nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ năng nổ, và là tác giả của nhiều cuốn sách về khoa học chính trị bị cấm phát hành ở Việt Nam.
Ngày 10 tháng 2 vừa qua, chính phủ hai nước Anh và Canada trao giải Tự do truyền thông cho nhà báo này, đương lúc bà đang phải thụ án 9 năm tù giam vì các công việc báo chí của mình.