Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/11 cho báo chí biết Bộ này sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa ấn “Hoàng đế chi bảo” về nước.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được nhà đấu giá Million của Pháp công bố đem ra bán đấu giá vào ngày 31/10. Tuy nhiên, theo báo Nhà nước, phía Chính phủ Việt Nam cho biết đã thương lượng để Millon đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn này trong 10 ngày, tức đến ngày 10/11 để Việt Nam thương lượng được mua trực tiếp.
Cục Di sản cho biết, "Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước trong thời gian sớm nhất."
Việc “Hoàng đế chi bảo” được đem ra bán đấu giá tại Pháp cũng khiến dư luận chú ý với nhiều ý kiến khác nhau về khả năng đưa ấn này về nước.
Hôm 26/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam ( Hoàng tộc nhà Nguyễn ) đã gửi văn bản đến ông Jean Gauchet, Giám định viên hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá. Ông cho biết Hội đồng Nguyễn Phúc tộc là tổ chức kế thừa chính thức của Vương triều Nguyễn, chiếc ấn Hoàng đế chi bảo là quốc bảo của vương triều Nguyễn. Ông này bày tỏ sự ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia lại được rao bán một cách rất thông thường.
Theo thông tin từ Cục Di sản văn hoá, trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỉ).
Hiện nay, trong sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỉ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỉ (trong đó có hai kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỉ của chín đời vua và vương hậu triều Nguyễn).