Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/7 lên tiếng phản đối báo cáo về nạn buôn người năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng báo cáo này đã “không phản ánh đầy đủ và chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống vấn nạn này.”
Trong báo cáo về nạn buôn người mới được công bố hôm 19/7, Mỹ đã đánh tụt xếp hạng của Việt Nam từ nhóm 2 là nhóm các nước cần phải theo dõi xuống nhóm cuối cùng là nhóm 3. Nhóm 3 là các nước bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: "buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em."
Ngoài ra, những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Hằng khẳng đinh: “Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn người với sự tập trung cao độ của tất cả bộ, ngành và địa phương.”
Bà Hằng đưa ra ví dụ là: “Một trong những ví dụ gần nhất là vào ngày 18-7, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người.”
Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, phía Hoa Kỳ đã cáo buộc Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Chính phủ Việt Nam cũng không truy cứu trách nhiệm đối với vụ việc hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đưa người Việt ra nước ngoài rồi trở thành nạn nhân buôn người, và cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các nạn nhân.
Ví dụ được báo cáo nêu ra cụ thể là vụ những lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út bị người chủ hành hạ nhưng khi tìm đến Đại sứ quán Việt Nam thì lại bị chính những quan chức ở đây cưỡng bức đem trả lại cho những kẻ buôn người là các công ty môi giới lao động ở Việt Nam.