Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa vào ngày 11 tháng 5 tại Hà Nội.
Buổi ký kết có sự tham gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng phòng không – Không quân và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Giám đốc USAID tại Việt Nam, ông Michael Greene đại diện phía Hoa Kỳ cùng với Trung tướng Lê Huy Vịnh đã ký tên trong bản thỏa thuận để bắt đầu quá trình xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa.
Sân bay Biên Hòa là nơi được đánh giá bị ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam. Quá trình xử lý dioxin tại đây dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm với tổng chi phí là 390 triệu đôla Mỹ.
Kể từ năm 2000 đến nay, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam giải quyết các vấn đề nhân đạo và hậu quả chiến tranh, bao gồm việc loại bỏ vật liệu chưa nổ, xác định danh tính hài cốt lính chiến, xử lý dioxin,…
Trước đó, hai phía Việt – Mỹ cũng đã có công tác xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng trong 6 năm với kinh phí 110 triệu đôla Mỹ. Tin cho biết vào tháng 5 năm 2015, khoảng 45.000 mét khối bùn đất nhiễm dioxin tại đó được xử lý thành công. Vào tháng 6 năm ngoái, thêm gần 50.000 mét khối được xử lý. Dự án xử lý dioxin ở Sân Bay Đà Nẵng sẽ kết thúc vào cuối năm 2018 với hoạt động hoàn trả mặt bằng lại cho phía sân bay.
Thống kê cho thấy trong khoảng thời gian 10 năm từ 1961 đến 1971, Hoa Kỳ cho rải xuống Việt Nam lượng hóa chất tổng cộng gần 77 triệu lít; trong số này có 64% là chất da cam, 27% chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím. Mục đích được nói nhằm làm rụng lá cây rừng để bộ đội và du kích quân cộng sản Bắc Việt không còn nơi ẩn nấp trên đường tấn công miền nam.