Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ hãng đấu giá Millon của Pháp. Đó là thông tin được ông Trần Đình Thành – Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra tại cuộc họp báo ở Hà Nội vào sáng ngày 6/12.
Ông Thành được báo chí Nhà nước trích lời cho biết mốc quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được là giành được quyền ưu tiên mua và mang chiếc ấn về lại Việt Nam. Tuy nhiên, ông không cho biết giá chiếc ấn triều Nguyễn đang được đàm phán là bao nhiêu và khoảng bao giờ thì có thể hoàn tất đàm phán và mang ấn về.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được hãng đấu giá Millon công bố đem bán đấu giá công khai vào ngày 19/10 với giá khoảng ba triệu đô la. Tuy nhiên, hãng này sau đó đã phải hoãn đấu giá đến hai lần do yêu cầu đàm phán mua lại ấn từ phía Chính phủ Việt Nam.
Để có tiền mua lại “Hoàng đế chi bảo”, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế hồi tháng 11 đã đưa ra đề xuất xã hội hóa việc mang ấn về Việt Nam, tức là huy động nguồn lực xã hội cho Quỹ Bảo tồn Di sản Huế để cơ quan này thương lượng mua lại, hoặc vận động mạnh thường quân quan tâm thương lượng, mua lại.
Việc một di sản của Việt Nam bị đem bán đấu giá quốc tế cũng đặt câu hỏi về Luật di sản văn hóa của Việt Nam. Ông Thành cho biết, vụ việc khẳng định định hướng sửa đổi Luật di sản văn hóa dự định ban hành năm 2024 theo hướng tăng hàm lượng các quy định về hồi hương cổ vật là định hướng đúng đắn.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp việc hồi hương ấn vàng là một trong 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch nổi bật trong năm 2022.