HRW yêu cầu Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch hôm 7/10/2019 ra thông cáo yêu cầu "chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với anh."
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong thông cáo cho hay:

"Chính quyền Việt Nam nghĩ rằng có thể dập tắt tiếng nói của Nguyễn Quốc Đức Vượng bằng cách bắt giữ anh về hành vi bày tỏ ý kiến trên Facebook.

Nhưng việc đó chỉ gây nhiều sự chú ý hơn tới các quan điểm của anh, và tới những nỗ lực đè nén nhằm kiểm duyệt thông tin trên mạng của chính quyền Việt Nam."

Hôm 23/9/2019, công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ Facebooker Vượng Nguyễn, tên thật là Nguyễn Quốc Đức Vượng, người thường dùng mạng xã hội phát trực tiếp các bài nói chuyện bày tỏ chính kiến về các vấn đề ở Việt Nam.

Báo Công An Nhân Dân hôm 27/9 cho biết, anh Vượng bị bắt giữ với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Theo các điều 173 và 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, bị cáo buộc về tội danh an ninh có nghĩa là anh có thể vừa bị tạm giam, vừa không được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý cho đến khi công an kết thúc điều tra, một tình huống có thể dẫn đến ngược đãi hoặc tra tấn.

Anh Nguyễn Quốc Doanh, anh trai của nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng chiều 8/10 cho hay, gia đình anh từ hôm 4/10 đã gửi đồ thăm nuôi cho anh này và biết anh hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam tỉnh Lâm Đồng.

"Hôm thứ Sáu tuần trước em có được bên huyện (Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng - PV) xuống mời, bố lên rồi làm đơn gửi lên Đà Lạt để vô Trại Mát thăm nuôi.

Nhưng chỉ được gửi đồ thôi chứ chưa được gặp mặt," anh Doanh nói qua điện thoại.

Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Kể từ đó đến nay, đã có khoảng hơn 10 nhà hoạt động bị bắt được ghi nhận trên truyền thông, trong đó có blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do.

Theo Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, các trường hợp khác bị bắt giữ do đăng hoặc chia sẻ bài trên Facebook gồm có thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt vào tháng Năm và ông Phạm Văn Điệp, một người Nga gốc Việt lên tiếng phê phán chính quyền bị bắt hồi tháng Sáu.