Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 17/10 ở Hà Nội cho biết cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với phía Thái Lan để xử lý vụ việc của nhà hoạt động người dân tộc thiểu số Y Quynh Bdap.
Trả lời truyền thông về trường hợp của ông Y Quynh Bdap, bà Phạm Thu Hằng cho rằng ông này đã “trực tiếp tuyển mộ, kích động và chỉ đạo trực tiếp vụ khủng bố vào ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk”.
Hồi tháng 1 năm nay, ông Y Quynh Bdap và 99 người khác đã bị tòa án lưu động ở Đắk Lắk xét xử sau vụ nổ súng vào hai trụ sở chính quyền ở tỉnh này vào tháng 6/2023 khiến chín người chết.
Ông Y Quynh Bdap đã bị kết án (vắng mặt) tù 10 năm với cáo buộc tội “khủng bố” trong vụ tấn công đó. Tuy nhiên, ông Y Quynh Bdap đã bác bỏ cáo buộc đối với ông như thế.
Bản thân ông Y Quynh Bdap - đồng sáng lập của Tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) - đã phải sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn. Tuy nhiên, ông đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào ngày 11/6 vừa qua với cáo buộc “lưu trú quá hạn”.
Tòa Hình sự Thái Lan hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.
Ngày 09/10, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với ông Y Quynh của Toà án Hình sự Bangkok và các lo ngại về nhân quyền xung quanh.
Vào ngày 16/10, các chuyên gia độc lập và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại sâu sắc về phán quyết của Tòa Hình sự Thái Lan dẫn độ nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc thúc giục chính phủ Thái Lan xem xét lại quyết định này.