Việt Nam lên tiếng về những diễn biến mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông

Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển của Việt Nam (không có trong hình) gần giàn khoan 981 ở Biển Đông hồi tháng 7/2014 (minh hoạ)
Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển của Việt Nam (không có trong hình) gần giàn khoan 981 ở Biển Đông hồi tháng 7/2014 (minh hoạ) (Reuters)

Việt Nam vào ngày 23 tháng 5 lặp lại phản đối những hoạt động của phía Trung Quốc tại Biển Đông mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt, được báo giới dẫn lại quan điểm của Hà Nội về các diễn biến liên quan mới nhất tại Biển Đông.

Đối với quy định mới mà Trung Quốc ban hành hôm 15 tháng 5 và bắt đầu có hiệu lực từ 15 tháng 6 cho phép Hải cảnh của Bắc Kinh giam giữ 30 ngày, thậm chí đến 60 ngày trong trường hợp phức tạp, không qua xét xử người nước ngoài nào bị cho xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải/vùng biển mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền, Phó Phát ngôn nhân Đoàn Khắc Việt lặp lại quan điểm : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử cũng như cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp của Việt Nam".

Đối với tin mà phía Trung Quốc loan ngày 22/5 về việc Hải quân Trung Quốc đưa một tàu bệnh viện đến các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa để kiểm tra sức khỏe, điều trị cho binh sĩ của họ tại đó, ông Đoàn Khắc Việt cũng lặp lại quan điểm : “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động liên quan mà vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa".

Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi đầu năm 1974. Lúc đó quần đảo này do Hải quân miền nam Việt Nam quản lý.

Vào năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc Trường Sa do chính phủ Hà Nội hiện nay quản lý.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà họ tự vạch ra. Đường này bị Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye, và vào tháng 7 năm 2016, Tòa tuyên đường đứt khúc đó không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.