Quy hoạch năng lượng “Điện 8” của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ Hà Nội ký duyệt vào ngày 15/5.
“Quy hoạch Điện 8” được cho biết bị chậm hơn hai năm và phải qua hàng chục dự thảo mới có được bản mà Thủ tướng phê duyệt để đệ trình Quốc hội dự kiến diễn ra trong tháng này.
Kế hoạch vừa nêu mang tầm quan trọng giúp có thể giải ngân khoản quỹ đầu tư 15,5 tỷ USD mà Nhóm đối tác quốc tế gồm các nước công nghiệp tiên tiến G-7 cùng những nước khác, hứa tài trợ cho Việt Nam trong công tác chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Mạng báo Nikkei vào ngày 16/5 dẫn phát biểu của một nhà ngoại giao thuộc Nhóm G-7 xác nhận về sự quan trọng của việc phê duyệt Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam như vừa nêu. Tuy nhiên theo nhà ngoại giao này, Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam được phê chuẩn vẫn chưa hoàn toàn tương thích với các mục tiêu của Nhóm G-7. Lý do vì trong thập niên này, Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng than đá.
Chính phủ Hà Nội ước tính cần đến tổng cộng 658 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Riêng trong thập niên này phải giải ngân một phần năm số kinh phí đó.
Reuters nêu số liệu trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 mà hãng tin này có được là đến năm 2023, năng lực sản xuất điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 158 GW so với mức 69 GW vào cuối năm 2020.
Cơ cấu các nguồn năng lượng đến năm 2030 của Việt Nam được nêu ra là 19% điện than, 18,5% thủy điện, 17,6% điện gió và 13% điện mặt trời. Trong diễn biến liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã duyệt giá mua điện tạm thời cho hai nhà máy Điện gió Nam Bình 1 và Viên An.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 16/5 và cho biết thêm hai nhà máy này nằm trong nhóm 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN. Trong số này có 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và còn một số vấn đề liên quan pháp lý của dự án cần làm rõ; các dự án còn lại mới gửi hồ sơ và EVN đang rà soát.
EVN cho biết tính đến ngày 10/5, có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại là hơn 1.900 MW đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện bán cho EVN.
Tuy vậy, theo Luật Điện lực của Việt Nam, một dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi được Bộ Công thương cấp phép hoạt động. Tính đến nay, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp được Bộ này cấp phép hoạt động.