Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/6 lên tiếng phản đối những hành động mới đây của Trung Quốc ở hai quần đảo tranh chấp bao gồm việc gắn thẻ tên cho các loài thực vật ở Hoàng Sa, và điều các máy bay quân sự và tàu trinh sát tới Trường Sa.
Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 9/6 cho thấy Trung Quốc đã điều một tàu trinh sát và hai máy bay quân sự cỡ lớn ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích phân tích từ các chuyên gia cho rằng, các máy bay quân sự trên gồm một máy bay tuần thám Y-8Q, một máy bay cảnh báo/chỉ huy trên không KJ-500. Ngoài ra Trung Quốc cũng điều tàu trinh sát Type 815G và một nhóm tàu cá đến đá Chữ Thập.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho hay, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), gần đây đã triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loài thực vật ở hơn 10 đảo và cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến nay, 500 loài thực vật đã được gắn tên.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 24/6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đều vô giá trị, không được công nhận. Việt Nam kiên quyết phản đối”
Bà Hằng cũng nhắc đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong phát biểu của mình: "Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có các hành động gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, có đóng góp tích cực và thiết thực vào duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền tới khoảng 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các quốc gia khác cũng có đòi hỏi chủ quyền một phần hay toàn bộ đối với Trường Sa bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Ngoài ra, Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng.