Tổng dư nợ công của Việt Nam trong năm 2021 tăng lên mức 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với năm 2020, có nghĩa là mỗi người Việt đang “gánh” một mức nợ công là 36,7 triệu đồng. Đó là kết quả của báo cáo kiểm toán ngân sách Nhà nước 2021 tại Quốc hội được truyền thông Nhà nước cho biết.
Theo báo cáo này, con số trung bình mỗi người dân Việt phải gánh nợ tăng trong ba năm gần đây bao gồm: năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người; năm 2020 là 35,10 triệu đồng/người.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2021, nợ Chính phủ bằng 38,73% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 3,78% GDP; nợ chính quyền địa phương bằng 0,56% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước là 21,47%. Như vậy, các chỉ tiêu nợ công năm 2021 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Truyền thông Nhà nước hồi tháng tư trích Bản tin nợ công của Bộ Tài chính cho biết, mặc dù mức dư nợ công tăng nhưng tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP) có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ này giảm từ 58,3% vào năm 2018 xuống còn 43,1% vào năm 2021.
Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo mới cũng cho biết một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Y tế đã gửi chậm báo cáo năm 2021 đến ba tháng.
Tổng kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ xử lý và kiểm điểm một số Bộ, ngành trung ương. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, làm rõ để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xử lý theo quy định đối với một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn.