Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thực hiện Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước.
Trang thông tin điện tử Bộ Công thương cho biết, vào sáng ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, các đơn vị chức năng của Bộ về việc hợp tác mua bán than với Lào.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Diên cho biết, buổi làm việc này nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chủ trì một hội nghị tương tự và giao nhiệm vụ cho các Tập đoàn, Tổng công ty và các cơ quan chức năng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “giúp bạn cũng là giúp mình”.
Hiệp định mua bán than giữa Lào và Việt Nam nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho Việt Nam vào khi nhiệt điện than vẫn chiếm đến hơn 40% tổng sản lượng điện cả nước, đồng thời hỗ trợ Lào phát triển ngành than.
Theo quyết định kế hoạch cho sản xuất điện năm 2024 của Bộ Công Thương, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than cần cung cấp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện. Trong đó, ngoài nguồn cung trong nước, Việt Nam dự kiến nhập khoảng 26 triệu tấn than.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam trong năm 2023 là đạt hơn 51 triệu tấn, tương đương hơn 7,1 tỷ đô la. Hiện, Úc là nước cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam với sản lượng gần 20 triệu tấn, tiếp theo là Indonesia và Nga.
Dù Lào có trữ lượng than lớn nhưng việc nhập khẩu than từ Lào vào Việt Nam hiện gặp khó khăn do vấn đề cơ sở hạ tầng ở biên giới hai nước như thiếu kho chứa, hạ tầng giao thông hạn chế dẫn đến chi phí vận chuyển cao khiến giá than từ Lào không cạnh tranh bằng các nước khác.
Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị hôm 27/8 vừa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với chủ trương của UBND tỉnh này xem xét chấp thuận dự án kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông) để đẩy mạnh nhập khẩu than từ Lào.
Truyền thông Nhà nước dẫn thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, dự án kho bãi có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng do Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất, với mục tiêu là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải...
Theo báo Tuổi Trẻ, hiện nay khối lượng than đá nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) - La Lay (tỉnh Salavan, Lào) rất lớn, cao điểm lên tới 12.000 tấn/ngày, với khoảng 500 lượt xe qua lại.
Tiềm năng nhập khẩu than đá giữa Lào và Việt Nam qua cửa khẩu La Hay được đánh giá là rất lớn, có thể đạt 500 triệu tấn trong vòng 50 năm tới, theo báo Tuổi Trẻ.
Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang đề ra cam kết chuyển dịch sử dụng nhiên liệu từ than sang các nhiên liệu khác thân thiện với môi trường nhằm đạt được mục tiêu đặt ra với quốc tế là đưa phát thải ròng về không vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới được công bố hồi giữa tháng này của tổ chức Dự án 88, Việt Nam dường như đang thất bại trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) khi Việt Nam đang ưu tiên an ninh năng lượng bằng cách tiếp tục tăng cường sử dụng than hơn là chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh và sạch.
Năm 2010, Việt Nam chỉ sản xuất được 18% điện từ than. Kể từ đó, than đã trở thành nguồn điện lớn nhất, cung cấp gần 40% nhu cầu của cả nước, theo Dự án 88. Trong khi cắt giảm công suất dự kiến của các nhà máy điện than trong tương lai, Chính phủ Việt Nam lại tăng sản lượng thực tế của các nhà máy hiện có.