Bộ Y tế Việt Nam ngày 7/4 chính thức xác nhận ca bệnh cúm gia cầm A/H9 đầu tiên là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Truyền thông loan trong cùng ngày nêu rõ, bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Phó giám sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay, tại Việt Nam, trước đây đã có cúm A/H5N1 trên người. Với cúm A/H9N2 vừa ghi nhận có ở đàn gia cầm và có thể lây sang người nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra, mới chỉ có vài ca bệnh riêng lẻ.
Tuy vậy, ông Phu cảnh báo, người dân cần phải đề phòng vì các chủng virus rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn,… Do đó, theo ông Phu, người dân cần thực hiện phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chia sẻ trên tờ Thanh Niên, cúm gia cầm (avian influenza hay bird flu) gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9.
Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như: khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.
Hôm 23/3/2024, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho truyền thông hay, nam bệnh nhân B.T.Đ (21 tuổi, ngụ TX.Ninh Hòa, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.Nha Trang, Khánh Hòa) mắc cúm A/H5N1 và đã tử vong. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã đưa ra khuyến cáo và thực hiện biện pháp kiểm soát căn bệnh này xâm nhập khi ở Campuchia ghi nhận ca bệnh cúm A/H5N1 và bệnh nhân cũng đã tử vong.