Việt Nam lặp lại phản ứng đối với lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông của Trung Quốc

“Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc tại Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa; mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên hiệp quốc tế Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Đó là lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, đưa ra ngày 25 tháng tư khi được báo giới hỏi về phản ứng của Hà Nội đối với việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông mới nhất.

Nguyên văn lời của Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam được truyền thông Nhà nước nêu lại như trên và thêm: “Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam; không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.

Từ năm 1999, Trung Quốc bắt đầu có lệnh đánh bắt tại khu vực Biển Đông. Đây là vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần đến 90% nằm trong đường đứt khúc do họ tự vạch ra. Đường này vào năm 2016 bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở La Hay tuyên không có cả cơ sở pháp lý và lịch sử.

Lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông và Biển Hoa Đông do Trung Quốc đưa ra được áp dụng từ ngày 1 tháng năm đến ngày 16 tháng tám; bao trùm khu vực từ vĩ tuyến 12 đến phía Bắc Đài Loan, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc hoàn tất cưỡng chiếm từ Việt Nam vào năm 1974.

Mỗi khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt hải sản tại Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thực thi lệnh và nhiều lần bắt giữ tàu, ngư dân, xua đuổi, tịch thu hải sản, ngư cụ, phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam…

Từ đầu tháng hai năm 2023, Luật Hải Cảnh của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Luật này cho phép lực lượng chấp pháp Trung Quốc dùng vũ khí bắn vào tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.